05/01/2024 08:18

Cảnh sát giao thông có được phép xử phạt mà không lập biên bản hay không?

Cảnh sát giao thông có được phép xử phạt mà không lập biên bản hay không?

Cho tôi hỏi cảnh sát giao thông khi thực hiện xử phạt người dân khi đi trên đường thì có được phép thực hiện xử phạt mà không cần phải lập biên bản hay không? Anh Hữu Trọng (Gia Lai).

Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:

Cảnh sát giao thông có được phép xử phạt mà không cần lập biên bản hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì cảnh sát giao thông được phép thực hiện xử phạt vi phạm hành chính mà không cần phải lập biên bản trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.

Việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính mà không cần lập biên bản đối với 2 trường hợp trên sẽ được áp dụng khi cảnh sát giao thông quyết định xử phạt tại chỗ.

Khoản 1 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng quy định rằng trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Như vậy, cảnh sát giao thông được quyền xử phạt vi phạm hành chính mà không cần phải lập biên bản trong trường hợp vi phạm hành chính đó không phát hiện bằng cách sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ và mức phạt tiền đối với lỗi vi phạm sẽ không quá 250.000 đồng đối với cá nhân, và 500.000 đồng đối với tổ chức, hoặc vi phạm chỉ dừng lại ở mức xử phạt cảnh cáo.

Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được thực hiện như thế nào?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 20 Thông tư 32/2023/TT-BCA thì cảnh sát giao thông thực hiện xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản như sau:

Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, cán bộ cảnh sát giao thông thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ;

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thi hành ngay quyết định xử phạt thì tạm giữ giấy tờ có liên quan theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (bổ sung bởi Điểm a, b Khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) và điểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư 32/2023/TT-BCA để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.  

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 69 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì quyết định xử phạt hành chính không lập biên bản phải được giao cho cá nhân, tổ chức xử phạt 01 bản. Trường hợp người chưa thành niên bị xử phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ người vi phạm.

Việc nộp tiền phạt được thực hiện theo khoản 2 Điều 69 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, cụ thể:

 + Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho cảnh sát giao thông;

+ Cảnh sát giao thông thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.

+ Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

+ Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp (khoản 1 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi bởi nhoản 39 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020)

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ bao gồm những nội dung gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật xử lý vi pham hành chính 2012 thì Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải có những thông tin sau:

(1) Ngày, tháng, năm ra quyết định; 

(2) Họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; 

(3) Địa điểm xảy ra vi phạm; 

(4) Chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; 

(5) Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. 

Nếu là phạt tiền thì cần ghi rõ mức tiền phạt ở trong quyết định.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
470

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn