30/05/2023 17:32

Cảnh sát giao thông có được “núp” để bắn tốc độ?

Cảnh sát giao thông có được “núp” để bắn tốc độ?

Tôi thấy một vài người mặc quần áo thường phục, núp bắn tốc độ các phương tiện lưu thông trên đường. Vậy CSGT có được mặc thường phục, núp bắn tốc độ không?". Anh Luân-Hồ Chí Minh

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Xem thêmSử dụng biển số xe giả tham gia giao thông sẽ bị xử lý thế nào?

Cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi lái xe bị xử lý như thế nào?

1. Cảnh sát giao thông có được “núp” để bắn tốc độ không?

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA về trang phục, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát giao thông:

Về trang phục của Cảnh sát giao thông:

- Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an.

- Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang.

- Trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận Cảnh sát giao thông mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;

- Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trưởng Công an cấp huyện) trở lên quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.

Về phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:

- Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là hệ thống giám sát);

- Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới;

- Máy đo tốc độ có ghi hình ảnh; thiết bị ghi âm và ghi hình;

- Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở; thiết bị đo, thử chất ma túy;

- Thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả; thiết bị định vị vệ tinh; thiết bị ghi đo bức xạ; thiết bị đánh dấu hóa chất; thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình; thiết bị đo áp lực hơi của lốp xe cơ giới; thiết bị đo chiều cao hoa lốp xe cơ giới; thiết bị đo hiệu quả phanh xe cơ giới;

- Phương tiện đo độ ồn; phương tiện đo nồng độ khí thải xe cơ giới; thiết bị đo âm lượng; thiết bị đo cường độ ánh sáng; thiết bị đo độ rơ góc của vô lăng lái xe cơ giới.

- Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, tại Trạm Cảnh sát giao thông, trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, trang bị cho Tổ Cảnh sát giao thông, do cán bộ Cảnh sát giao thông trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Như vậy, Cảnh sát giao thông hoá trang, mặc thường phục “núp” để, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác. Đồng thời, kiềm chế tại nạn giao là phù hợp với quy định pháp luật hiện nay.

2. Quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA về quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát, như sau:

- Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật.

- Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

- Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

- Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

- Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

- Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy, Cảnh sát giao thông được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội, tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng… theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và quy định của văn bản pháp luật có liên quan.

Nguyễn Ngọc Trầm
2209

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]