31/12/2022 16:20

Cảnh giác thủ đoạn tiêu thụ tiền giả dịp Tết

Cảnh giác thủ đoạn tiêu thụ tiền giả dịp Tết

Tôi thấy những ngày cận tết thì thủ đoạn của tội phạm ngày tinh vi đặc biệt là dùng tiền giả để mua hàng sau đó nhận lại tiền thật. Tôi muốn hỏi hành vi trên bị xử lý như thế nào và cách phòng tránh._Thái Hưng (Vĩnh Long)

Chào anh, Ban Biên tập xin giải đáp thắc mắc của anh như sau:

1. Khái niệm tiền giả

Theo Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định: Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, tiền giả là loại tiền không do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Các hành vi như làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả;… bị pháp luật nghiêm cấm (Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010).

2. Về xử phạt hành chính về tội lưu hành tiền giả

Theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định như sau:

Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới;

- Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyền tiền giả;

- Bố trí người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả chưa qua tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền;

- Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ

- Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ

- Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định về xử lý tiền giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.

Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả như:

- Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm nêu trên, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý;

- Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả;

- Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

- Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

3. Xử lý hình sự về tội lưu hành tiền giả

Những tổ chức, cá nhân cố ý thực hiện hành vi sử dụng tiền giả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 207 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả như sau:

- Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Biện pháp phòng tránh tiền giả

Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi thực hiện mua, bán hoặc các giao dịch thương mại nhất là vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tránh để các đối tượng lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác hoạt động phạm tội; nhất là nắm vững một số kiến thức cơ bản về nhận biết tiền Việt Nam thật, giả như sau:

Cách 1: Soi trước nguồn ánh sáng: “hình bóng chìm” của tiền giả không tinh xảo, đường nét mờ nhạt không tự nhiên; “dây bảo hiểm” của tiền giả mờ nhòe khó nhìn hoặc không có dây bảo hiểm; “hình định vị” của tiền giả kích thước và hình ảnh trên 2 mặt tờ tiền lệch nhau, không tạo ra các khe trắng đều nhau.

Cách 2: Kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ tay lên tờ tiền: “nét in nổi” đối với tiền giả 02 mặt tờ bạc trơn lì không nhám ráp hoặc có cảm giác gợn gai tay, chất liệu tờ bạc giòn, không có độ dai, khi vò không có độ đanh, mực dễ bong tróc, có độ bóng hơn tiền thật.

Cách 3: Chao nghiêng tờ bạc: “Mực đổi màu” tiền giả khi chao nghiêng không đổi màu hoặc có đổi màu nhưng không giống tiền thật; “hình ẩn nổi” tiền giả không có hoặc có nhưng rất mờ khó nhìn thấy.

Cách 4: Kiểm tra các cửa sổ trong suốt: cửa sổ có số tiền dập nổi, tiền giả không có hoặc có nhưng số mệnh giá thô, mờ, không sắc nét; cửa sổ có hình ẩn, tiền giả khi soi không thấy hình ẩn xung quanh ngọn đèn….

Hiện nay với công nghệ phát triển, các ứng dụng ví điện tử rất nhiều và được sử dụng rất phổ biết trong cuộc sống, do đó để ngăn chặn vấn nạn sử dụng tiền giả dịp tết chúng ta cũng cần ưu tiên thanh toán qua ví điện tử và hạn chế sử dụng tiền mặt.

Ngoài ra, người dân cần tích cực tham gia phát hiện, tố giác khi phát hiện các đối tượng có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; liên hệ báo ngay ngay đến cơ quan công an gần nhất để được trợ giúp và hướng dẫn kịp thời.

Trân trọng!

Lê Huy
1032

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn