31/10/2023 15:37

Cần sa là gì? Trồng cây cần sa bị xử lí như thế nào?

Cần sa là gì? Trồng cây cần sa bị xử lí như thế nào?

Cần sa là gì? Cần sa có phải ma túy không? Người trồng cây cần sa thì bị xử lí như thế nao? Khánh Huy – Lạng Sơn.

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Cần sa là gì? Cần sa có phải ma túy không?

Cần sa hay còn gọi là cần sa Ấn Độ, thuốc phiện Ấn Độ, là một loại chất gây nghiện có nguồn gốc từ cây gai dầu (Tên khoa học là Cannabis sativa).

Cây cần sa chứa hơn 480 hợp chất hóa học, trong đó có hơn 100 hợp chất thuộc nhóm cannabinoid. Các cannabinoid chính trong cần sa bao gồm:

- Delta-9-tetrahydrocannabinol (THC): Đây là hợp chất gây tác dụng kích thích thần kinh và gây nghiện của cần sa. THC có thể gây ra các triệu chứng như hưng phấn, ảo giác, giảm đau, và kích thích thèm ăn.

- Cannabidiol (CBD): Đây là hợp chất không gây tác dụng kích thích thần kinh và không gây nghiện của cần sa. CBD có thể có tác dụng chống viêm, chống co giật, và giảm lo âu.

- Cannabigerol (CBG): Đây là hợp chất có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa.

- Cannabichromene (CBC): Đây là hợp chất có tác dụng chống viêm và giảm đau.

Ngoài ra, cần sa còn chứa các hợp chất khác như flavonoids, terpenes, và terpenoids. Các hợp chất này có thể có tác dụng bổ trợ cho các cannabinoid.

Hợp chất gây nghiện chính trong cần sa là THC. THC có thể xâm nhập vào não và tác động đến hệ thần kinh trung ương. THC gắn vào các thụ thể cannabinoid trong não, dẫn đến các thay đổi trong hoạt động của não. Các thay đổi này có thể gây ra các triệu chứng như hưng phấn, ảo giác, giảm đau, và kích thích thèm ăn.

Cần sa có phải ma túy không?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy 2021 về cây có chứa chất ma túy là cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định.

Đồng thời, cần sa và các chế phẩm từ cần sa là các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền. (Danh mục I ban hành kèm theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP)

Do đó, cần sa được coi là một loại ma túy do tác động lên hệ thần kinh và có khả năng gây nghiện. Việc phân loại này dựa trên các quy định pháp luật và quy định y tế của từng quốc gia. Tại nhiều quốc gia, việc sở hữu, sử dụng và trồng loại cây này bị cấm hoặc chỉ được phép trong mục đích y tế nhưng được kiểm soát nghiêm ngặt.

Như vậy, có thể khẳng định cần sa được xem là một loại ma túy bất hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng, trồng, mua bán, vận chuyển cần sa đều là hành vi phạm pháp và sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

2. Trồng cây cần sa bị xử lí như thế nào?

Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trồng cần sa

Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về mức phạt vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau:

Điều 23. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Đồng thời, hành vi trồng cây cần sa còn chịu xử phạt bổ sung:

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi trồng cây cần sa

- Trục xuất người nước ngoài có hành vi trồng cây cần sa.

(khoản 8 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

Như vậy, đối với hành vi trồng cây cần sa sẽ bị xử phạt hành chính: mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân.

Đối với tổ chức mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trồng cây cần sa

Theo quy định tại Điều 247 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:

- Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

- Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức;

+ Với số lượng 3.000 cây trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

- Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều 247 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, người thực hiện hành vi trồng cây cần sa ngoài chịu xử phạt hành chính còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tù lên đến 07 năm và bị phạt tiền 50.000.000 đồng.

Tuy nhiên, người nào phạm tội trồng cây cần sa với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây, đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống… nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

3. Một số bản án tham khảo về tội trồng cây cần sa

Bản án 84/2019/HS-PT ngày 24/09/2019 về tội trồng cây cần sa

Bản án 46/2020/HS-ST ngày 19/08/2020 về tội trồng cây cần sa

Bản án về tội trồng cây cần sa số 59/2022/HS-PT

Bản án về tội trồng cây cần sa số 205/2022/HS-PT

Bản án về tội trồng cây cần sa số 76/2022/HS-ST

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
8104

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn