14/02/2019 17:25

Cần phải tỉnh táo hơn để giảm hậu quả nghiêm trọng của mê tín dị đoan

Cần phải tỉnh táo hơn để giảm hậu quả nghiêm trọng của mê tín dị đoan

Mê tín dị đoan được thể hiện rất đa dạng như: lễ bái, cúng tế, cầu xin; xem tướng số, bói toán; chữa bệnh bằng mẹo hay những kiêng cữ phản khoa học…

Có nhiều người lợi dụng việc mê tín dị đoan này để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đó là nội dung của bản án 34/2017/HS-ST ngày 13/09/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Phạm Thị C đã lợi dụng sự mê tín của những nạn nhân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với các hành vi như “làm phép” chữa bệnh, lên đồng, làm bùa C đã thực hiện đến 8 lần và chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân với số tiền hơn 60.000.000 đồng.

Trách nhiệm pháp lý mà bị cáo phải gánh chịu:

+ 03 năm tù giam với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự 1999

+ Bồi thường toàn bộ số tiền đã lừa đảo cho các nạn nhân theo quy Điều 584, 585, 586, 589 và Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015

Với hành vi của C nếu không liên quan đến số tiền lớn đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì cũng có thể khiến C phải chịu trách nhiệm hành chính

Theo Khoản 2, Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;

….

Đây không phải là lần đầu và cũng không phải là lần duy nhất chúng ta nói về mê tín dị đoan. Trên các báo đài, thời sự vẫn thường đưa các tin về mê tín dị đoan hay những trường hợp thầy bói dùng mẹo chữa bệnh và hậu quả nghiêm trọn mà nó gây ra, tuy nhiên người dân vẫn tìm đến các “cậu”, các “công chúa” để chữa bệnh.

So ra về mặt thiệt hại thì các nạn nhân trên vẫn còn được gọi là may mắn vì còn nhiều nạn nhân khác phải gánh hậu quả nặng nề hơn

Cũng vì thầy bói mà gây ra tình trạng ly hôn

Mê tín dẫn đến mâu thuẫn gia đình, kết quả là hai vợ chồng dắt nhau ra tòa và ly hôn. Nội dung mọi người xem thêm tại đây: Bản án 06/2018/HNGĐ-ST về ly hôn và tranh chấp nuôi con khi ly hôn và bản án 11/2017/HNGĐ-PT ngày 21/12/2017 về tranh chấp ly hôn và nuôi con.

Tin vào bói toán một cách mù quáng khiến cho nhiều người gây nên những bất hòa, xung đột trong gia đình. Mặc dù đã chung sống với nhau nhiều năm nhưng vẫn có trường hợp một người nghe theo thầy bói nói không hợp tuổi và kiên quyết đòi ly hôn.

Mê tín dị đoan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng

Bên cạnh các hình thức mê tín dị đoan gây lãng phí về tiền bạc và thời gian, việc nghe theo lời "thầy" phán còn gây nhiều tác hại và nguy hiểm hơn

Như vụ một vụ án thương tâm xảy ra tại Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh nghe theo lời thầy bói và giết con trai. Trong sự việc đáng tiếc này, người mẹ làm chết con chỉ vì con bị bệnh chữa nhiều nơi không khỏi và tin điều "thầy" cho rằng con bị "thánh nhập". Chị mời người tới tụng kinh, làm lễ hồi sinh, "nhập thánh" cho con bằng cách dùng sợi dây quấn quanh cổ và siết mạnh, khiến con chết.

Việc xem bói nói riêng hay việc mê tín dị đoan nói chung không dễ để trong một thời gian ngắn loại bỏ nó khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên chúng ta cần tỉnh táo hơn trong việc nhận định rõ tác hại của bói toán và mê tín dị đoan. Con người sống không thể không có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải được xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn, được xử lý bằng tư duy khoa học, có tác động tích cực đến sự phát triển của cá nhân, để qua đó cả xã hội hướng đến điều thiện, điều lành.

Đức Phong
5529

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]