09/03/2022 17:23

Cần hoàn thiện quy định liên quan đến giữ người và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

Cần hoàn thiện quy định liên quan đến giữ người và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

Quy định của BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 về biện pháp giữ người và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp vẫn còn một số vướng mắc, bất cập cần được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện trong thời gian tới.

1. Vướng mắc, bất cập

Thứ nhất, khoản 4 Điều 110 BLTTHS quy định “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn…”.

Liên quan đến thời điểm ra quyết định tạm giữ và lệnh bắt người bị giữ, tại Công văn số 5024/VKSTC-V14 ngày 19/11/2018 của VKSNDTC đã giải đáp: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải ra quyết định tạm giữ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi giữ người hoặc nhận người bị giữ (chưa cần có quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp của VKS). Quyết định tạm giữ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được ban hành trước hoặc cùng với lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

Với quy định và giải đáp nêu trên thì trong trường hợp quyết định tạm giữ được ban hành trước lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đã trở thành người bị tạm giữ, cho nên nếu có căn cứ bắt người thì Cơ quan điều tra phải ra lệnh bắt người bị tạm giữ, việc quy định ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp tại thời điểm này đã không còn phù hợp.

Thứ hai, BLTTHS quy định biện pháp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp dường như không cần thiết. bởi vì, mục đích áp dụng biện pháp ngăn chặn là để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án. Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, nếu xét thấy người bị giữ có thể gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, Cơ quan điều tra chỉ cần quyết định tạm giữ, sau đó khởi tố bị can chuyển tạm giam hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác hoặc trả tự do mà không nhất thiết phải áp dụng thêm biện pháp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, vì làm phát sinh thêm thủ tục  tố tụng, rườm rà, gây mất thời gian, lúng túng cho cơ quan, người có thẩm quyền.

Thứ ba, chưa quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người bị bắt

Khi Cơ quan điều tra tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp, người bị giữ có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 58 BLTTHS nhưng kể từ thời điểm Cơ quan điều tra ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, họ không còn là người bị giữ nữa mà đã trở thành người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp. Thế nhưng, pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định các quyền, nghĩa vụ cho đối tượng này. Tại Điều 58 BLTTHS mặc dù có quy định quyền, nghĩa vụ của người bị bắt nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã.

Thứ tư, Điều 110 BLTTHS với tiêu đề là “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” nhưng nội dung của Điều luật này lại điều chỉnh đối với cả biện pháp ngăn chặn giữ người và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (lệnh, thủ tục phê chuẩn và thi hành lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp) là không phù hợp giữa tiêu đề và nội dung điều luật, đồng thời chưa hợp lý về kỹ thuật lập pháp.

Thứ năm, Khoản 4 Điều 110 và khoản 1 Điều 114 BLTTHS quy định thiếu thống nhất với nhau. Điều 110 quy định trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người có thẩm quyền phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Trong khi đó, Điều 114 Bộ luật này lại chỉ bắt buộc các cơ quan này lấy lời khai, ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt; không đề cập đến việc ra lệnh bắt người bị giữ và trả tự do cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

2. Kiến nghị

Từ vướng mắc, bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị sửa đổi BLTTHS theo một trong hai hướng sau:

Thứ nhất, bãi bỏ biện pháp ngăn chặn bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp trong tố tụng hình sự.

Thứ hai, Trường hợp vẫn giữ biện pháp này thì theo tác giả cần sửa đổi BLTTHS (các điều 110, 114) theo hướng lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải được ban hành trước quyết định tạm giữ để bảo đảm phù hợp về tên gọi và bản chất của biện pháp này là bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn sửa đổi Điều 110 Bộ luật này như sau:

Điều 110. Giữ người trong trường hợp khẩn cấp

4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra lệnh bắt người bị giữ, ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.

Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, những người quy định tại điểm c khoản 2 Điều này phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn…”

Bổ sung quyền, nghĩa vụ của người bị giữ sau khi họ bị bắt theo lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp vào Điều 58 Bộ luật này bằng việc thêm vào khoản 1 Điều này cụm từ “người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp”, cụ thể:

“Điều 58. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt

1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền:

a) Được nghe, nhận lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định truy nã;

b) Được biết lý do mình bị giữ, bị bắt…”

NGUYỄN CAO CƯỜNG (VKSND huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

1390

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]