24/03/2021 14:18

Cần hoàn thiện một số hướng dẫn về các trường hợp “Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”

Cần hoàn thiện một số hướng dẫn về các trường hợp “Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”

Việc xác định thế nào là phạm tội lần đầu về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo quy định của pháp luật thì “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 (nay là điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

Mặc dù, pháp luật đã quy định và hướng dẫn tương đối đầy đủ về khái niệm cũng như phân định các điều kiện cần và đủ để áp dụng tình tiết giảm nhẹ trên. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật trong xét xử các vụ án bên cạnh sự thống nhất cao về nhận thức và áp dụng pháp luật thì vẫn còn có một số vụ án còn chưa có sự thống nhất. Còn có những cách hiểu khác nhau trong việc được áp dụng hay không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

Tôi xin đưa ví dụ để minh chứng cho còn có cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng hay không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS.

Một là, Bản án số 101/2016/HSST ngày 13/7/2016 bị cáo Nguyễn Quang H bị TAND huyện A, tỉnh B xét xử và tuyên phạt 18 tháng tù nhưng được hưởng án treo; thời gian thử thách là 36 tháng (tính từ ngày tuyên án) về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bản án không có kháng cáo và các nghĩa vụ dân sự và án phí hình sự sơ thẩm người bị kết án đã thực hiện xong. Tính đến ngày 13/7/2019 người bị kết án Nguyễn Quang H đã chấp hành xong thời gian thử thách của án treo. Sau 01 năm tức là ngày 13/7/2020 Nguyễn Quang H yêu cầu và Sơ Tư pháp tỉnh B đã cấp phiếu lý lịch tư pháp xác định Nguyễn Quang H không có án tích. Tuy nhiên, sau đó ngày 15/8/2020 thì Nguyễn Quang H lại thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và bị truy tố về tội: “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. Vấn đề ở đây là xác định Nguyễn Quang H ở lần phạm tội thứ 2 về tội: “Trộm cắp tài sản” có xác định bị cáo được hưởng tình tiết “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS  không ?

Hai là, đối với bị cáo Phạm Đức B bị truy tố về tội: “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 321 BLHS và “Tổ chức đánh bạc” theo khoản 1 Điều 322 (với vai trò giúp sức, có vị trứ thứ yếu trong vụ án). Vậy, có xác định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS đối với B không?.

Qua hai trường hợp này, hiện có các quan điểm khác nhau, đó là:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cả hai trường hợp Nguyễn Quang H và Phạm Đức B khi xét xử Tòa án đều có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Bởi:

Một là, đối với Nguyễn Quang H thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và bị truy tố, xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” nhưng hành vi này được thực hiện sau khi Nguyễn Quang H đã chấp hành xong bản án ngày 13/7/2016 và đã được đương nhiên xóa án tích cho nên việc Tòa án xét xử đối H ở lần phạm tội sau thì Tòa án vẫn có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS đối với bị cáo H.

Hai là, đối với trường hợp Phạm Đức B cũng vậy, mặc dù bị cáo bị xét xử về 02 tội, đối với tội: “Tổ chức đánh bạc” ở khoản 1 Điều 322 có khung hình phạt tới 05 năm (tức là thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng) nhưng do vai trò của B chỉ là giúp sức, có vị trí thứ yếu trong vụ án nên Tòa án khi xét xử đều có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS đối với cả 02 tội trên cho bị cáo B.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Nguyễn Quang H và Phạm Đức B khi xét xử Tòa án không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS đối với các bị cáo. Vì:

Một là, đối với Nguyễn Quang H khi xét xử tội “Trộm cắp tài sản” thì trước đó đã từng bị xét xử và bị tuyên án bởi một bản án có hiệu lực pháp luật; mặc dù, H đã được đương nhiên xóa án tích nhưng về nhân thân vẫn phải xác định thuộc trường hợp đã từng bị kết án. Do vậy, không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS.

Hai là, đối với Phạm Văn B khi xét xử không thể áp dụng dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS đối với cả 02 tội được. Vì, bị cáo thực hiện các hành vi khác nhau, thỏa mãn các cấu thành tội phạm khác nhau và bị truy tố xét xử trong cùng một vụ án; tức là, ngoài hành vi Phạm Văn B đánh bạc thì còn có hành vi tổ chức đánh bạc nên không thể xác định thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” được. Do vậy, không thỏa mãn điều kiện cần và đủ để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS.

Qua các quan điểm trên, tôi cho rằng để xác định Nguyễn Quang H và Phạm Văn B có thuộc trường hợp được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS không thì trước tiên phải xác định theo quy định của pháp luật thế nào là “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và nay là điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này phải thỏa mãn hai điều kiện cần và đủ đó là (1), phạm tội lần đầu và (2), thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, cụ thể theo hướng dẫn của Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ thì: Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu.

Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù;Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.”.

Bên cạnh đó, trong thực hiện chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì vấn đề “Phạm tội lần đầu” được hiểu theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn: “Phạm tội lần đầu”, cụ thể: Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:“a) Trước đó chưa phạm tội lần nào; b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích[1].”.

Qua các quy định, hướng dẫn trên cho ta thấy ở đây các hướng dẫn có điểm không thống nhất và có điểm chưa rõ, gây khó khăn cho việc vận dụng áp dụng. Cụ thể:

Nếu như, theo hướng dẫn của Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ thì: “Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu..

Như vậy, theo hướng dẫn sẽ có các trường hợp sau: (1) đối với trường hợp  bị cáo đã phạm tội trước đó và bị kết án nhưng đã được xóa án tích; (2) trước đó đã phạm tội  chưa bị kết án nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; (3) trước đó đã phạm tội chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau thì tất cả các trường hợp trên không được coi là “phạm tội lần đầu”.

Trong khi đó, theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện thì tại khoản 2 Điều 2 hướng dẫn phạm tội lần đầu “Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:“a) Trước đó chưa phạm tội lần nào; b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích”.

Ở đây, nếu so với hướng dẫn của Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ thì cả 03 trường trên tôi đã phân tích đã không được được quy định trong Nghị quyết số 01/2018 NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, cụ thể: (1) đối với trường hợp bị cáo đã phạm tội trước đó và bị kết án nhưng đã được xóa án tích; (2) trước đó đã phạm tội  chưa bị kết án nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; (3) trước đó đã phạm tội chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau thì có được coi là “phạm tội lần đầu” hay không, về vấn đề này theo như quy định của Nghị quyết trên theo tôi là chưa rõ.

Tuy nhiên, qua thực tiễn và qua nghiên cứu các quy định của pháp luật tôi thấy theo quy định thì tại Điều 69 BLHS quy địnhXóa án tích “1. Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án. 2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.”. Ở quy định này, ta thấy về nguyên tắc thì: (1) người được xóa án tích coi như chưa bị kết án; (2) Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.

Trở lại, 2 ví dụ trên theo quan điểm của tôi, tôi đồng ý với quan điểm 1 tức là: Cả hai trường hợp Nguyễn Quang H và Phạm Đức B khi xét xử Tòa án đều có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh và cho rằng: Nếu vận dụng và áp dụng theo tinh thần của Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ thì đối với cả hai trường hợp Nguyễn Quang H và Phạm Đức B khi xét xử Tòa án không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Vì đối với Nguyễn Quang H trước đó đã từng bị kết án; còn Phạm Đức B bị xét xử bởi nhiều tội khác nhau, do có các hành vi khác nhau có cấu thành ở các tội khác nhau hoặc kể cả trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội cùng một tội danh nhưng được xét xử, kết án cùng một bản án thì cũng không được coi là “phạm tội lần đầu”.

Tuy nhiên, như trên tôi đã phân tích thì vấn đề mấu chốt xác định Nguyễn Quang H và Phạm Đức B có thuộc trường hợp phạm tội lần đầu không? Mặc dù, theo các hướng dẫn thì đối với cả 02 trường hợp trên thì chưa rõ nhưng theo quan điểm của tôi thực hiện nguyên tắc có lợi cho bị cáo đồng thời thể hiện nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự và dẫn chiếu theo quy định tại Điều 69 BLHS thì đối với người đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích thì coi như “chưa bị kết án”. Chính vì vậy, đối với Nguyễn Quang H khi Tòa án xét xử bị cáo về tội: “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS thì vẫn có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cho bị cáo theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Đối với trường hợp bị cáo Phạm Đức B cũng vậy, mặc dù bị cáo bị xét xử về các tội khác nhau nhưng bị cáo bị xét xử và tuyên án cùng một bản án và Bản án này là bản án duy nhất ngoài bản án này bị cáo không đang chấp hành một bản án khác xác định là có tội thì khi Tòa án xét xử bị cáo Phạm Đức B về tội: “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” cũng đều có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cho bị cáo theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS.

Qua các ví dụ thực tiễn trên và qua nghiên cứu các quy định của pháp luật, tôi xin kiến nghị hoàn thiện đối với hướng dẫn về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS, cụ thể như sau:

Đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS, cần sửa đổi, bổ sung trên cơ sở hướng dẫn của Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ; theo hướng “Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì được coi là phạm tội lần đầu.. Bởi có như vậy sẽ phù hợp với lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Đặc biệt, phù hợp với nguyên tắc Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án” và cũng phù hợp với quy định “Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích theo quy định tại Điều 69 BLHS;

Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung vào khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số: 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cao hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện, theo hướng (giữ nguyên quy định) “Phạm tội lần đầu”. Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

“a) Trước đó chưa phạm tội lần nào;

b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;

c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.

Và, bổ sung các trường hợp như tôi đã kiến nghị ở trên, đó là: “Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì được coi là phạm tội lần đầu.”. Cụ thể, quy định, hướng dẫn sau khi đã được sửa đổi, bổ sung sẽ là: Phạm tội lần đầu”.  Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

“a) Trước đó chưa phạm tội lần nào;

 b) Trước đó đã phạm tội đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích;

 c) Trước đó đã phạm tội chưa bị kết án nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

 d) Trước đó đã phạm tội chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau;

đ) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;

e) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

g) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.

Tóm lại: Qua nghiên cứu và qua thực tiễn áp dụng pháp luật trong thời gian qua qua, tôi thấy bên cạnh một thuận lợi lớn đó là hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự ngày càng hoàn thiện thì cũng còn đó một số tồn tại từ sự quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền mặc dù đã rất kịp thời, tuy nhiên vẫn còn có một số tồn tại do sự hướng dẫn chưa đầy đủ, có một số hướng dẫn chưa cụ thể đã phần nào gây ra sự lúng túng trong vận dụng, áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Chính vì vậy, qua bài viết chúng tôi mong sớm tới đây Cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu và có hướng dẫn, bổ sung kịp thời đáp ứng chất lượng ngày càng tốt hơn trong sự nghiệp bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và thượng tôn pháp luật./.

Ths ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội) 

Nguồn: Tạp chí Tòa án

1161

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]