1.Quy định của pháp luật
Về quy định của pháp luật về Giới hạn xét xử thì tại Điều 298 BLTTHS có quy định như sau: “1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”
Như vậy, so với quy định về giới hạn xét xử quy định tại Điều 196 BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm khoản 3 quy định về trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố và tại khoản 1 BLTTHS năm 2015 bỏ chữ “chỉ” sau “Tòa án” và bổ sung từ “vụ án” sau từ “đưa” nhằm mục đích tạo tiền đề cho các trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 tại điều luật. Theo hướng mở rộng phạm vi xét xử của Tòa án. Cụ thể, với quy định mới trên chúng ra có thể hiểu rằng: Khi xét thấy cần thiết thì Tòa án được xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và không được xét xử những người và những hành vi không bị Viện kiểm sát truy tố. Với việc mở mở rộng phạm vi xét xử của Tòa án theo BLTTHS năm 2015 về cơ bản đã khắc phục được các tồn tại trong quá trình xét xử của Tòa án, phù hợp với thực tiễn.
2. Một số vướng mắc
Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng chúng tôi thấy vẫn còn có một số vướng mắc, cần có sự bổ sung, hoàn thiện, cụ thể:
Thứ nhất, BLTTHS năm 2015 đã cho phép Tòa án có thể xét xử không phụ thuộc vào tội danh mà Viện kiểm sát truy tố trong các trường hợp: Một là, theo tội danh bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện Kiểm sát đã truy tố; Hai là, được xét xử tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Nghĩa là, đã bãi bỏ giới hạn xét xử theo tội danh, cho phép Tòa án căn cứ vào kết quả kiểm tra đánh giá chứng cứ và kết quả tại phiên tòa để ra bản án và quyết định.
Cụ thể: Khoản 2 và 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015 quy định: “2.Toà án có thể xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà viện kiểm sát đã truy tố; 3. Trường hợp cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh viện kiểm sát truy tố thì toà án trả hồ sơ để viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lí do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết, trường hợp Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Toà án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”. Tuy nhiên, có sự mâu thuẫn khi khoản 1 Điều 298 BLTTHS năm 2015 vẫn quy định tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố.
Hai là, mỗi cấp Tòa án đều có thẩm quyền xét xử nhất định. Quy định về giới hạn xét xử cho phép Tòa án xét xử theo tội danh khác nặng hợn tội danh VKS truy tố. Tuy nhiên, việc xét xử ấy phải phù hợp với quy định về thẩm quyền của Tòa án các cấp. Nhất là trong trường hợp tội danh nặng hơn đó thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp trên. Trong trường hợp này, Tòa án phải trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố theo Điều 274 BLTTHS 2015. Nhưng nếu Viện kiểm sát không chuyển cho Viện kiểm sát cấp trên, vẫn giữ tội danh đã truy tố và chuyển lại hồ sơ vụ án cho Tòa án mà Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền của mình thì có tranh chấp về thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, theo Điều 275 BLTTHS năm 2015 chỉ có quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các TAND cùng cấp mà không có quy định về giải quyết tranh chấp giữa TAND cấp trên và TAND cấp dưới.
Ba là, theo quyết định tại điểm d khoản 1 Điều 255 BLTTHS năm 2015 về quyết định đưa vụ án ra xét xử trong đó phải nêu Tội danh và điểm, khoản, điều của BLHS mà Viện kiểm sát truy tố đối với bị cáo. Tuy nhiên, trong Điều 255 BLTTHS năm 2015 không có điểm nào quy định ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử tội danh và điểm, khoản, Điều của BLHS mà Tòa án có thể xét xử đối với bị cáo. Trong trường hợp Tòa án cần xét xử bị cáo theo khung hình phạt hoặc tội danh nặng hơn mà khung đó có mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, theo quy định tại Điều 254 BLTTHS năm 2015 quy định về thành phần HĐXX (yêu cẩu thành phần HĐXX gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm) thì Tòa án sẽ căn cứ vào đâu để quyết định về thành phần HĐXX và nếu bị cáo chưa mời người bào chữa thì Tòa án xử lý như thế nào?
3.Kiến nghị
Qua liệt kê một số vướng mắc trên, chúng tôi kiến nghị hoàn thiện như sau:
Thứ nhất, cần bãi bỏ giới hạn xét xử sơ thẩm theo tội danh và bảo đảm giới hạn xét xử theo chủ thể cũng như theo hành vi. Do vậy, điều khoản này cần sửa đổi theo hướng thêm từ “chỉ” và bỏ cụm từ “theo tội danh”. Cụ thể, khoản 1 Điều 298 BLTTHS năm 2015 cần sửa đổi như sau:
“Điều 298. Giới hạn xét xử
1.Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử…”
Thứ hai, cần hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan
Một là, đối với Điều 275 BLTTHS năm 2015 quy định về giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử cần bổ sung thêm 01 khoản về giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử theo hướng.
“Điều 275. Giải quyết việc tranh chấp về thẩm quyền xét xử
…5. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân cấp huyện với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự khu vực với Tòa án quân sự cấp Quân khu do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu quyết định…”
Hai là, Điều 255 BLTTHS năm 2015 quy định về Quyết định đưa vụ án ra xét xử cần bổ sung tội danh và điểm, khoản, điều của BLHS mà Tòa án có thể xét xử đối với bị cáo vào sau điểm d khoản 1.
“Điều 255. Quyết định đưa vụ án ra xét xử
1. Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ghi rõ:…đ) Tội danh và điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự mà Tòa án có thể xét xử đối với bị cáo.”
Nguồn: Tạp chí Tòa án