05/03/2020 11:54

Cần hiểu tội “Bức tử” như thế nào là đúng?

Cần hiểu tội “Bức tử” như thế nào là đúng?

Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quy định rất cụ thể những quyền của công dân. Trong số đó, có một quyền rất quan trọng là “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.” Trên thực tế, quyền này đã bị xâm phạm một cách trầm trọng. Vậy, cần hiểu tội “Bức tử” như thế nào là đúng?

Cụ thể tại Bản án 05/2018/HS-ST ngày 18/01/2018 là một điển hình, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

“Ngày 07/8/2016 tại nhà riêng, Đặng Chòi H chửi, dùng chân, tay đấm, đá vào người của chị Hoàng Mùi N, vừa đánh vừa chửi. Do bị chửi, đánh và không phản kháng được, chị N lấy 01 (một) bình thuốc diệt cỏ, vặn nắp định uống, thấy thế H tiếp tục chửi, đánh N và nói "mày lấy về rồi còn chưa uống à, mày uống thì uống cho hết đi, không tao bón cho, thà để cho tao đánh chết còn hơn". Thấy H chửi và đánh đập như vậy N tự cầm lọ thuốc diệt cỏ rồi uống. Sau khi uống thuốc diệt cỏ N có biểu hiện nôn mửa, H nói "uống ít thế không sao đâu" và liên tục chửi, đánh N. Do uống thuốc diệt cỏ nên sau đó chị N chỉ nằm một chỗ, bụng chướng lên. Ngày 20/8/2016 tình hình sức khỏe của N xấu đi, H gọi điện thoại cho Đặng Chòi C (em trai của H) đến và cùng đưa N ra Trạm y tế xã SL. Sau đó, N được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng để cấp cứu đến 02 giờ ngày 31/8/2016 N tử vong.”

Quyết định của Tòa án huyện B: căn cứ vào khoản 1 Điều 100 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009: Tuyên bố bị cáo Đặng Chòi H phạm tội "Bức tử".

Điều 100. Tội bức tử

" 1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.”

Có ba vấn đề cần hiểu rõ về tội “Bức tử” như sau:

Thứ nhất, về người lệ thuộc trong tội “Bức tử” được hiểu là người đó lệ thuộc người có hành vi phạm tội về kinh tế, công việc, tôn giáo hoặc về các mặt khác, cụ thể là: lệ thuộc về kinh tế (thể hiện qua việc nạn nhân phải phụ thuộc người phạm tội về việc được cung cấp các nhu cầu ăn, mặc, ở hoặc các điều kiện vật chất khác để duy trì cuộc sống); Lệ thuộc về công việc (thể hiện qua việc nạn nhân phải chịu ảnh hưởng và tác động của người khác trong quan hệ công việc trong các cơ quan tổ chức); Lệ thuộc về tôn giáo như tín đồ của người có chức sắc trong giáo hội; Lệ thuộc về các mặt khác như bệnh nhân với thầy thuốc, học sinh với thầy cô giáo…

Thứ hai, sẽ bị xem là phạm tội bức tử nếu người phạm tội thỏa mãn một trong những hành vi sau đây:

+ Đối xử tàn ác với nạn nhân: là việc người phạm tội đã có hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, có hành động gây đau khổ cho người lệ thuộc mình. Có thể là sự đau khổ về thể xác hoặc sự đau khổ về tinh thần.

+ Thường xuyên ức hiếp nạn nhân: là hành vi dựa vào quyền hành, sức mạnh, tiền tài, địa vị để buộc người lệ thuộc chính mình phải chịu đựng điều bất công. Hành vi ức hiếp phải xảy ra thường xuyên thì mới coi là tội phạm. Nếu chỉ xảy ra một vài lần thì chưa được coi là có hành vi bức tử.

+ Ngược đãi nạn nhân: là hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, trái với lẽ phải, với đạo đức giữa con cái đối với bố mẹ, giữa các cháu với ông bà, giữa vợ chồng với nhau v.v… Chẳng hạn như không kính trọng, nhốt và bỏ đói cha mẹ mình..vv

+ Làm nhục nạn nhân: là việc người phạm tội đã có hành vi làm tổn thương đến nhân phẩm danh dự người lệ thuộc mình bằng lời nói hoặc hành động như: xỉ vả, lăng mạ nạn nhân trước đám đông, tung tin thất thiệt để người khác tưởng rằng là nạn nhân xấu xa.

Thứ ba, hậu quả của tội “Bức tử” là yếu tố bắt buộc, để cấu thành tội phạm này thì phải làm nạn nhân tự sát mới cấu thành nên tội.

Tóm lại, Tội bức tử là tội xâm phạm nghiêm trọng tới quyền con người, vì vậy việc bảo vệ những con người yếu thế luôn cần những biện pháp đúng đắn và kịp thời, để hạn chế tối đa tội phạm này.

Trường Sa
5550

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn


Từ khóa: bức tử |