17/08/2020 08:47

Căn cước công dân gắn chíp điện tử: Tích hợp nhiều thông tin, tránh giả mạo giấy tờ

Căn cước công dân gắn chíp điện tử: Tích hợp nhiều thông tin, tránh giả mạo giấy tờ

Thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ; phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo. Khi tích hợp đầy đủ các thông tin, người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch.

Bộ Công an từng tính toán nhiều năm trước

Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Bộ vừa trình Chính phủ đề xuất trên trong dự án xây dựng căn cước công dân mới. Theo quy trình, đề xuất đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Đề xuất thẻ căn cước công dân (CCCD) sẽ được gắn thẻ chíp điện tử, thay vì mã vạch như hiện nay đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận. Dự kiến khi được cấp thẩm quyền phê duyệt sẽ được triển khai từ tháng 11/2020.

Thiếu tướng Huệ đã trả lời báo chí về những điểm ưu việt của loại thẻ căn CCCD gắn chíp điện tử này so với thẻ CCCD hiện tại (có mã vạch).

Thiếu tướng Huệ cho biết, thực hiện Luật CCCD (có hiệu lực từ 1/1/2016), từ năm 2016 Bộ Công an đã triển khai thực hiện việc cấp CCCD (có mã vạch) tại 16 địa phương gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã cấp được khoảng 16 triệu thẻ CCCD. Bên cạnh đó, người dân cũng đang sử dụng một số loại giấy tờ tùy thân khác như chứng minh nhân dân (CMND) 12 số và CMND 9 số.

Trường hợp người dân bị mất hoặc hư hỏng CMND thì vẫn được làm thủ tục cấp đổi sang CCCD mã vạch như hiện tại. CMND cũ nếu còn thời hạn sử dụng thì vẫn có nguyên giá trị pháp lý.

Trường hợp người dân khi chưa nhất thiết phải đổi ngay sang thẻ CCCD được khuyến cáo có thể chờ để cấp thẻ CCCD theo mẫu mới có gắn chíp điện tử.

Về lý do đề xuất cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử, thay thẻ mã vạch, Thiếu tướng Huệ cho biết: Thẻ CCCD có mã vạch như hiện nay có nhiều hạn chế hơn so với việc gắn chíp. Khi triển khai Dự án Luật CCCD thì Bộ Công an đã tính toán đến hai phương án sử dụng mã vạch hay gắn chíp.

Tuy nhiên, thời điểm năm 2016 do nhiều hạn chế về hạ tầng kỹ thuật thông tin, kinh phí và nhu cầu của xã hội đối với chíp điện tử chưa phổ biến như hiện nay. Ngoài ra, nếu lúc đó sử dụng chíp thì phải mua ở nước ngoài với giá thành cao. Hiện một số doanh nghiệp của Việt Nam đã có thể chủ động sản xuất chíp nên giá thành giảm đi nhiều.

Nhiều ưu điểm hơn thẻ có mã vạch?

Theo Thiếu tướng Huệ: Thẻ CCCD sử dụng chíp điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với mã vạch. Trước hết độ bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn, có thể tích hợp thêm các thông tin của các bộ, ngành khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe… và nó phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay so với việc sử dụng thẻ mã vạch CCCD.

Thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có lượng thông tin lưu trữ lớn hơn nhiều lần so với thẻ CCCD mã vạch, có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ có giá trị khác… Qua đó, có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống, tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử.

Đáng chú ý, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch.

Đặc biệt, mức độ bảo mật của chíp rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên CCCD gắn chíp là không thể thay đổi và không thể giả mạo; và việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chíp, hạn chế tối đa giả mạo danh tính. Ngoài ra, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline mà không cần đường truyền internet.

Về băn khoăn “những công dân hiện đang sử dụng thẻ CCCD mã vạch, việc thực hiện các giao dịch có bị ảnh hưởng gì không?”, Thiếu tướng Huệ cho hay: Việc này hoàn toàn không ảnh hưởng bởi chúng chỉ có thay thiết bị lưu trữ thông tin, còn số CCCD cũ vẫn giữ nguyên.

Trong đó, công dân đang sử dụng CCCD mã vạch nếu còn thời hạn sử dụng thì vẫn được dùng để thực hiện các giao dịch bình thường, nội dung thông tin cá nhân, số thẻ CCCD không có sự thay đổi giữa thẻ CCCD mã vạch và thẻ CCCD gắn chíp.

Khi thẻ CCCD mã vạch của công dân hết hạn sử dụng, công dân phải đổi, cấp lại thẻ CCCD theo quy định hoặc công dân có yêu cầu đổi từ CCCD mã vạch sang CCCD gắn chíp thì được đổi theo yêu cầu.

Bên cạnh phương án tự xây dựng cơ sở hạ tầng để cấp thẻ gắn chíp, Bộ Công an cũng báo cáo Chính phủ phương án thuê in thẻ, việc này giúp rút ngắn thời gian xây dựng và không phải mua máy, giảm chi phí.

Bộ Công an dự kiến trường hợp được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận cấp thẻ gắn chíp, các đơn vị sẽ cấp cho công dân đủ 14 tuổi trở lên hay những người cấp lần đầu. Những người đã có thẻ CCCD có mã vạch thì không bắt buộc đổi sang thẻ gắn chíp khi chưa hết hạn.

Trước đó hôm 10/8, trong cuộc họp của Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an nói, theo kế hoạch dự kiến, sau này mỗi công dân "chỉ cần tấm thẻ in mã chíp điện tử là có thể sử dụng cho nhiều loại giao dịch, giải quyết các thủ tục". Việc gắn chíp điện tử hay mã QR code vào thẻ căn cước công dân "sẽ giúp truy vấn thông tin nhanh, thuận lợi hơn".

Dự kiến khi dự án thẻ gắn chíp được thông qua, các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ được cấp thẻ gắn chíp điện tử đồng bộ và đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp được 50 triệu thẻ CCCD.

Theo Luật Căn cước công dân 2014, người từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD và phải được đổi khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Nguồn: Báo Pháp luật 

18307

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn