30/10/2024 11:50

Căn cứ xác lập và nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề theo quy định pháp luật?

Căn cứ xác lập và nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề theo quy định pháp luật?

Quy định về quyền đối với bất động sản liền kề? Căn cứ xác lập đối với bất động sản liền kề? Một số quyền nổi bật đối với bất động sản liền kề?

Căn cứ xác lập đối với bất động sản liền kề?

“Quyền đối với bất động sản liền kề” là một quyền phổ biến, được ghi nhận trong pháp luật dân sự của nhiều quốc gia trên thế giới (bao gồm cả các quốc gia theo hệ thống Civil law và hệ thống Common law), trong đó có cả Việt Nam. Đây là quyền của chủ sở hữu một mảnh đất để sử dụng một phần của mảnh đất liền kề nhằm phục vụ cho việc sử dụng mảnh đất của mình. Ví dụ, chủ thể sử dụng đất liền kề có thể được phép đi qua đất của hàng xóm để ra đường, hoặc đặt đường ống qua đất của họ để cấp nước,...

Điều 246 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

Điều 246. Căn cứ xác lập quyền đối với bất động sản liền kề

Quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên, theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.

Như vậy, quyền đối với bất động sản liền kề có thể được xác lập theo bốn cách chính:

Do địa thế tự nhiên: Khi một mảnh đất bị bao bọc bởi các mảnh đất khác và không có lối đi, chủ sở hữu có thể yêu cầu sử dụng một phần đất của những mảnh đất xung quanh để tạo lối đi. Ví dụ, một mảnh đất nằm ở vị trí thấp hơn so với các mảnh đất xung quanh thì có quyền được thoát nước qua các mảnh đất này.

Theo quy định của pháp luật: Trong một số trường hợp, pháp luật sẽ quy định rõ ràng về quyền sử dụng đất liền kề. Ví dụ, khi một mảnh đất được chuyển nhượng, quyền sử dụng đất liền kề (nếu có) sẽ tự động chuyển giao cho chủ sở hữu mới.

Theo thỏa thuận: Các chủ sở hữu có thể tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc xác lập quyền sử dụng đất liền kề. Thỏa thuận này phải đảm bảo tính tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Theo di chúc: Việc xác lập quyền đối với bất động sản liền kề cũng có thể thực hiện thông qua di chúc. Di chúc là văn bản pháp lý thể hiện ý chí cuối cùng của một người về việc phân chia tài sản sau khi họ qua đời. Khi một người sở hữu quyền sử dụng đất liền kề, họ hoàn toàn có thể quy định trong di chúc rằng người thừa kế của họ sẽ tiếp tục được hưởng quyền này. Việc làm này giúp đảm bảo sự ổn định trong việc sử dụng đất, tránh tranh chấp và phiền phức cho người thừa kế trong tương lai.

Nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề?

Điều 248 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề sẽ theo sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

- Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền.

- Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.

- Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.

Thay đổi việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề?

Thay đổi việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề được quy định tại Điều 249 Bộ luật Dân sự 2015 với nội dung như sau: Trường hợp có sự thay đổi về sử dụng, khai thác bất động sản chịu hưởng quyền dẫn đến thay đổi việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền thì chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền phải thông báo trước cho chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền trong một thời hạn hợp lý. Chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền phải tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền phù hợp với thay đổi này.

Như vậy, khi có sự thay đổi trong việc sử dụng hoặc khai thác bất động sản chịu hưởng quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của bất động sản hưởng quyền, chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền phải thông báo trước và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền.

Xem thêm:

Quy định về quyền đối với bất động sản liền kề theo quy định của pháp luật dân sự? 

Tìm hiểu về một số quyền cơ bản đối với bất động sản liền kề?

Phạm Văn Vinh
62

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn