Thứ nhất, có những trường hợp Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa phù hợp tình hình thực tế, song pháp luật chưa có quy định.
Trong thực tiễn xét xử, có trường hợp Chánh án ra quyết định hoãn phiên tòa không dựa vào các căn cứ do luật định (trường hợp Chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi), nhưng được đánh giá là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Ngược lại, trường hợp tương tự nhưng Chánh án không ra quyết định hoãn phiên tòa mà vẫn tiến hành xét xử thì bị coi là ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể có liên quan hoặc vi phạm quy định pháp luật.
Ví dụ: Trong vụ án Nguyễn Văn P, Tòa án A ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, ấn định ngày xét xử là 13/5/2021 tại thành phố Đ. Tuy nhiên, do đại dịch Covid - 19 bùng phát tại địa bàn nên không thể tổ chức xét xử được. Trường hợp này, thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa thuộc về Chánh án hay Hội đồng xét xử?
Ý kiến thứ nhất cho rằng, dịch bệnh Covid - 19 bùng phát không thuộc trường hợp căn cứ hoãn phiên tòa (khoản 1 Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015), do vậy, thẩm quyền thuộc về Hội đồng xét xử, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa thay mặt ký quyết định hoãn phiên tòa. Theo quy định thì đến ngày xét xử Tòa án phải mở phiên tòa, Hội đồng xét xử nghị án ra quyết định hoãn, nhưng do đại dịch Covid - 19 không thể tổ chức xét xử được (điều kiện khách quan), cho nên thủ tục sẽ là hoàn thiện hồ sơ và thông báo cho các đương sự biết.
Ý kiến thứ hai cũng là ý kiến của tác giả, trong trường hợp này, thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa thuộc về Chánh án Tòa án. Bởi vì, về nguyên tắc, việc hoãn phiên tòa (Điều 297 BLTTHS năm 2015) phải được Hội đồng xét xử thảo luận, quyết định tại phòng nghị án, bắt buộc phải mở phiên tòa. Tuy nhiên, nếu tổ chức mở phiên tòa thì sẽ không bảo đảm, vi phạm quy định công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi đó, Chánh án ra quyết định hoãn phiên tòa và ghi rõ lý do (xét thấy Tòa án không thể tổ chức phiên tòa do địa điểm xét xử nằm trong vùng dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp). Như vậy sẽ bảo đảm an toàn, tiết kiệm chi phí tố tụng, tuân thủ đúng các quy định phòng, chống dịch bệnh.
Thứ hai, vụ án có quyết định đưa ra xét xử và ấn định ngày xét xử, nhưng trong thời gian chuẩn bị mở phiên tòa, bị cáo hoặc người tham gia tố tụng có đơn yêu cầu đến Tòa án xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe hoặc sự kiện bất khả kháng mà ngày mở phiên tòa sẽ không tham gia được.
Theo quy định hiện hành thì việc vắng mặt này được xác định là căn cứ để hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa không thể ra quyết định hoãn phiên tòa ngay được vì pháp luật không quy định. Như vậy, trong trường hợp này, mặc dù biết trước phiên tòa sẽ phải hoãn nhưng Hội đồng xét xử vẫn phải đợi đến ngày mở phiên tòa mới được ra quyết định. Điều này gây lãng phí chi phí tố tụng, khó khăn đối với những người tham gia phiên tòa ở xa, điều kiện đi lại khó khăn…
Ví dụ: L có hành vi cố ý gây thương tích, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngày xét xử là 15/5/2021, bị cáo tại ngoại. Ngày 10/5/2021, bị cáo bị tai nạn nhập viện nên không thể tham gia phiên tòa, ngày 15/5/2021, bị cáo có đơn xin hoãn phiên tòa. Trường hợp này thực tiễn còn có những ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, mặc dù bị cáo hoặc người tham gia tố tụng có đơn xin hoãn phiên tòa, nhưng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, việc ra quyết định hoãn phiên tòa phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án. Do vậy, Tòa án vẫn phải mở phiên tòa, sau đó ra quyết định hoãn theo đúng quy định tại Điều 297 BLTTHS năm 2015.
Ý kiến thứ hai cũng là ý kiến của tác giả, trong trường hợp này, sau khi nhận đơn xin hoãn phiên tòa của bị cáo hoặc người tham gia tố tụng khác, về nguyên tắc phải xác minh yêu cầu của bị cáo (hoặc đương sự) có lý do chính đáng, đúng quy định hay không. Theo tác giả, Tòa án cần xác minh yêu cầu, thông tin chính xác đúng quy định pháp luật, kèm theo chứng cứ chứng minh là đến ngày mở phiên tòa, bị cáo (hoặc đương sự yêu cầu) không thể tham gia được thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đề nghị Chánh án ra quyết định hoãn phiên tòa và thông báo cho bị cáo hoặc đương sự biết. Như vậy sẽ tránh được việc mở phiên tòa mà biết rằng chắc chắn bị hoãn, giảm chi phí tố tụng, đi lại của các đương sự. Nếu quá trình xác minh thông tin yêu cầu của bị cáo (hoặc đương sự) không có căn cứ để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trả lời cho bị cáo hoặc đương sự biết theo Điều 279 BLTTHS năm 2015 thì phiên tòa vẫn được mở theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, trường hợp vụ án do Chánh án Tòa án quân sự khu vực là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết, ra quyết định xét xử, ấn định ngày xét xử, nhưng vì lý do nào đó Chánh án không thể tham gia xét xử được. Trường hợp này ai là người ra quyết định hoãn phiên tòa (Chánh án Tòa án cấp quân khu hay Phó Chánh án Tòa án cấp khu vực)?
Theo tác giả, trong trường hợp này thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa thuộc về Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu. Bởi lẽ, theo quy định pháp luật, thẩm quyền ra quyết định thuộc về Chánh án, trường hợp Chánh án cấp khu vực không thể tham gia xét xử được thì thẩm quyền ra quyết định do Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp cấp quân khu thực hiện. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 53 BLTTHS năm 2015: “Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì do Chánh án Tòa án trên một cấp quyết định”. Trong trường hợp này, Phó Chánh án Tòa án cấp khu vực không có thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa.
Thứ tư, BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn bị cáo nhận cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử là: Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra cáo trạng, Viện kiểm sát phải giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can (Điều 240); quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa... (Điều 286). Trong thực tế, nhiều trường hợp bị cáo không nhận được cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc nhận được nhưng không đảm bảo thời hạn luật định và khi bị cáo yêu cầu hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền của mình thì BLTTHS năm 2015 chưa quy định cụ thể. Trong khi đó, Điều 201 BLTTHS năm 2003 quy định: “...Trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng theo quy định tại khoản 2 Điều 49 và quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 182 của Bộ luật này và nếu bị cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa”.
Một là, bổ sung căn cứ hoãn phiên tòa, thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa của Chánh án trong một số trường hợp đặc biệt (do thiên tai, đại dịch, theo quy định của pháp luật). Tác giả kiến nghị sửa đổi quy định tại Điều 297 BLTTHS năm 2015 như sau:
“1. Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:
…
e) Do điều kiện khách quan không thể mở phiên tòa để đảm bảo an toàn.
… 4. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi hoặc trong một số trường hợp thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa. Quyết định hoãn phiên tòa có thể trước ngày mở phiên tòa…”.
Hai là, cần ghi nhận thêm trường hợp hoãn phiên tòa khi bị cáo hoặc các đương sự có yêu cầu hoãn phiên tòa trước ngày mở phiên tòa để bảo đảm quyền của bị cáo và đương sự, giúp việc giải quyết vụ án toàn diện và khách quan.
Ba là, bổ sung Điều 286 BLTTHS năm 2015 nội dung: “Bị can/bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định của Bộ luật này và bị cáo yêu cầu hoãn phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa”../.
Huỳnh Ngọc Diện
Nguồn: Kiemsat.vn