20/01/2020 07:57

Căn cứ để xác định mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn

Căn cứ để xác định mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn

Tranh chấp mức cấp dưỡng nuôi con là một trong những tranh chấp phổ biến khi mỗi cặp vợ chồng ly hôn. Thông thường bên được quyền nuôi con thì yêu cầu cấp dưỡng cao trong lúc bên không nuôi con thường trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như chỉ chấp nhận cấp dưỡng mức thấp. Vậy làm sao để xác định mức cấp dưỡng hợp lý?

Điển hình tại Bản án 02/2018/HNGĐ-ST ngày 11/01/2018 về tranh chấp cấp dưỡng, theo đó:

“Chị L, anh G đã ly hôn theo bản án số: 37/2014/HNGĐ-ST của Tòa án nhân dân huyện Cao Lãnh. Chị L là người trực tiếp nuôi con chung tên Trần Thùy Vân, sinh ngày: 15/11/2013. Khi ly hôn chị L không yêu cầu anh G cấp dưỡng nuôi con vì anh G đồng ý giao 6 chỉ vàng cưới cho chị L làm chi phí nuôi con, nhưng sau đó anh G và cha anh G đòi lấy lại số vàng cưới và chị L đã trả 03 chỉ vàng cho anh G. Từ khi ly hôn đến nay anh G không thăm con hay hỗ trợ bất kỳ chi phí nào để nuôi con. Do con chung đến tuổi chuẩn bị đi học, trong khi chị L là công nhân lương không đủ để nuôi con. Nay, chị L yêu cầu anh Trần Thanh G cấp dưỡng nuôi con chung theo quy định của pháp luật.

Anh G không đồng ý với lý do: Hiện nay, anh G có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, anh phải nuôi cha mẹ già bị bệnh; anh G là lao động phổ thông thu nhập khoảng 180.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày, nhưng thu nhập không ổn định nên không có khả năng cấp dưỡng nuôi con theo quy định của pháp luật. Anh G đồng ý cấp dưỡng nuôi con với mức cấp dưỡng 200.000 đồng/tháng".

Hội đồng xét xử tuyên xử:

- Chấp nhận yêu cầu của chị Huỳnh Thị Thúy L về việc yêu cầu anh Trần Thanh G cấp dưỡng nuôi con.

- Buộc anh Trần Thanh G có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung hàng bằng ½ tháng lương cơ sở tương ứng với thời gian thi hành án, thời gian cấp dưỡng được tính từ tháng 01/2018 cho đến khi con chung tên Trần Thùy V trưởng thành đủ 18 tuổi.

Đối chiếu với Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về cấp dưỡng như sau:

Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Điều 116. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, đối với con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì khi cha, mẹ không sống chung với con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Tuy nhiên, mức cấp dưỡng cho mỗi trường hợp, mỗi hoàn cảnh là khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố như: Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, khả năng kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.... Như vậy, để xác định mức cấp dưỡng khi các bên không thỏa thuận được thì tòa án sẽ dựa vào các yếu tố nêu trên để từ đó xem xét, xác định mức cấp dưỡng cụ thể phù hợp. Hoàn toàn không phải một bên muốn trốn tránh hay muốn yêu cầu mức cấp dưỡng như thế nào cũng được.

Nguyễn Sáng
3635

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]