15/03/2021 11:42

Cần có mức lãi suất giới hạn đối với các tổ chức tín dụng

Cần có mức lãi suất giới hạn đối với các tổ chức tín dụng

Hiện nay nhu cầu vay tiền để đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu dùng ngày càng phổ biến, việc lựa chọn vay ngoài ngân hàng hay vay tại các ngân hàng thì việc vay tại ngân hàng dường như là lựa chọn tối ưu do lãi suất thấp, tuy nhiên đối với các khoản vay tín chấp không có tài sản thế chấp tại các ngân hàng thì lãi suất cao và gần như bằng các khoản vay bên ngoài ngân hàng.

Khi phát sinh tranh chấp thì các khoản vay tại ngân hàng được pháp luật bảo vệ dù lãi suất cao hơn quy định của Bộ luật dân sự (BLDS), còn các khoản vay bên ngoài ngân hàng nếu cao hơn so với quy định của BLDS sẽ bị điều chỉnh cho phù hợp quy định của BLDS. Vì vậy cần xem xét mức lãi suất giới hạn đối với các tổ chức tín dụng không nên thả nổi như hiện nay.

Để dễ hình dung tác giả xin trình bày 2 vụ án cụ thể như sau:

Vụ án thứ nhất: Ông A vay 100.000.000 đồng tại Ngân hàng X không thế chấp tài sản với lãi suất là 30%/năm, thời hạn vay 1 năm, đến hạn ông A không có tiền trả nên Ngân hàng X khởi kiện ông A ra Tòa án.

Nếu vụ án này xảy ra trước ngày Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu luật pháp luật thì Tòa án giải quyết phải điều chỉnh theo hướng phù hợp với Điều 476 BLDS 2005.

Điều 476 BLDS 2005 quy định về lãi suất:

1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc NHNN Việt Nam về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm. Như vậy Ngân hàng X cho ông A vay nhưng thỏa thuận lãi suất không vượt quá 13,5%/năm.

Nhưng nếu vụ án này xảy ra sau ngày Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu luật pháp luật thì Tòa án căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 giải quyết, buộc ông A phải trả cho Ngân hàng X 100.000.000 đồng và lãi suất là 30%/năm theo hợp đồng tín dụng.

Khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng: “2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thoả thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) quy định về lãi suất cho vay: “1. Tổ chức tín dụng và  khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp ngân hàng nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.”.

Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định về áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng:

“1. Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.

2. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.”

Theo đó, Ngân hàng và khách hàng được quyền thỏa thuận mức lãi suất cho vay tiêu dùng dựa trên các yếu tố: cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng vay.

Vụ án thứ hai: Ông A vay 100.000.000 đồng của ông B với lãi suất là 30%/năm, thời hạn vay 01 năm đến hạn ông A không có tiền trả nên ông B khởi kiện ông A ra Tòa án.

Nếu vụ án xảy ra trước ngày BLDS 2015 có hiệu luật pháp luật thì Tòa án điều chỉnh mức lãi suất phù hợp quy định BLDS 2005 không vượt quá 13,5%/năm. Nếu vụ án xảy ra sau ngày BLDS 2015 có hiệu luật pháp luật thì Tòa án cũng điều chỉnh mức lãi suất phù hợp quy định BLDS 2015 không vượt quá 20%/năm.

Như vậy dẫn đến tính không công bằng trong cùng một mối quan hệ tranh chấp giữa một bên là cá nhân với cá nhân và một bên là có nhân và tổ chức tín dụng. Ngân hàng có quyền cho vay với lãi suất cao hơn so với quy định của BLDS và được pháp luật bảo vệ còn cá nhân cho vay với lãi suất cao hơn so với quy định của BLDS sẽ bị pháp luật điều chỉnh.

Hiện tại, NHNN chỉ ban hành quy định về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ 05 lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN:

“2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:

a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;

c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao."

Quyết định số 1730/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của Thống đốc NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ 05 lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/10/2020:

+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,5%/năm.

+ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm.

Đối với những khoản cho vay ngắn hạn ngoài 05 lĩnh vực nêu trên và những khoản cho vay trung, dài hạn, các Ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay theo cơ chế thỏa thuận quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, mỗi Ngân hàng có mức lãi suất cho vay theo từng đối tượng khác nhau.

Theo tác giả, tuy khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định “có quyền thỏa thuận về lãi suất” nhưng phải “theo quy định của pháp luật”. Theo quy định của pháp luật được hiểu là theo quy định của BLDS, các bên không có quyền thỏa thuận vượt quá quy định của BLDS. Nếu muốn áp dụng lãi suất cao hơn quy định của BLDS thì khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 nên quy định có quyền thỏa thuận về lãi suất nhưng không vi phạm trách nhiệm hình sự để dễ vận dụng áp dụng trong thực tiễn thi hành luật.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả.

HUỲNH VĂN SÁNG (VKSND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

7146

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]