Điều 346 Bộ luật Dân sự 2015 đã có đưa ra định nghĩa về cầm giữ tài sản như sau: “Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
Biện pháp cầm giữ tài sản lần đầu tiên được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam tại Điều 30 Bộ luật Hàng hải năm 1990. Sau đó, biện pháp này đã tiếp tục xuất hiện trong Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005, nhưng chỉ dưới dạng một điều khoản trong hợp đồng cụ thể, chứ chưa được xem là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Tuy nhiên, với bản chất là một biện pháp gây áp lực để buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng, cầm giữ tài sản phù hợp với tính chất của một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cầm giữ tài sản là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, được quy định tại Mục 3, Chương XV. Theo quy định này, cầm giữ tài sản cho phép bên có quyền (bên cầm giữ) nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Với vai trò là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, cầm giữ tài sản giúp quá trình thực hiện nghĩa vụ diễn ra thuận lợi hơn, bởi bên có nghĩa vụ sẽ hiểu rằng, để lấy lại tài sản bị cầm giữ, họ cần nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền. Bộ luật Dân sự năm 2015 từ Điều 346 đến Điều 350 và Nghị định 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã thiết lập khung pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện cho các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự và các cơ quan thi hành pháp luật áp dụng biện pháp này trong việc xác lập, thực hiện và giải quyết tranh chấp liên quan đến cầm giữ tài sản.
Tuy nhiên, để cầm giữ tài sản thực sự trở thành một biện pháp bảo đảm hiệu quả, bảo vệ quyền lợi của bên có quyền, cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm tránh những hệ quả không mong muốn trong quá trình áp dụng.
Nội dung về xác lập quyền cầm giữ tài sản được ghi nhận tại Điều 347 Bộ luật Dân sự 2015:
Điều 347. Xác lập cầm giữ tài sản
1. Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.
Theo đó, cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Lưu ý, cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.
Bên cầm giữ tài sản sẽ có các quyền theo quy định tại Điều 348 Bộ luật Dân sự 2015:
- Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ.
- Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ.
- Được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Trong đó, giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ sẽ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.
Bên cầm giữ tài sản sẽ có các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 349 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:
- Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ.
- Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ.
- Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
- Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện.
- Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.