Call margin là một thuật ngữ thường được sử dụng trong lĩnh vực đầu từ chứng khoán. Khi bị call margin thì đồng nghĩa với việc tài khoản, khả năng đầu tư và tiền bạc của nhà đầu tư trong tương lai cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn. Vậy thuật ngữ call margin là gì, và nhà đầu tư bị call margin trong trường hợp nào, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Margin hay còn được hiểu là giao dịch kí quỹ, là một thuật ngữ trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán chỉ việc nhà đầu tư vay thêm tiền của công ty chứng khoán để thực hiện đầu tư bằng cách thế chấp những cổ phiếu nằm trong danh mục của bản thân.
Ví dụ: Nhà đầu tư có sẵn 500 triệu đồng tiền mặt, Sau đó vay thêm của công ty chứng khoán 200 triệu để mua cổ phiếu. Hoạt động vay thêm này chính là margin.
Khi tỷ lệ ký quỹ trong tài khoản của nhà đầu tư thấp hơn mức tỷ lệ ký quỹ duy trì theo quy định của công ty chứng khoán thì công ty sẽ thông báo cho nhà đầu tư nạp tiền hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp để giữ tỷ lệ vay margin ở mức an toàn. Việc thông báo tỷ lệ ký quỹ này của công ty chứng khoán chính là lệnh gọi kí quỹ, hay call margin.
Căn cứ tại Điều 7 Quyết định 87/QĐ-UBCK năm 2017 có quy định về call margin như sau:
- Khách hàng có nghĩa vụ đảm bảo tỷ lệ ký quỹ không thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì.
- Trường hợp tỷ lệ ký quỹ trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng giảm xuống thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì, công ty chứng khoán phát hành lệnh gọi ký quỹ bổ sung gửi tới khách hàng theo các phương thức liên hệ được thoả thuận trong Hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ.
- Khách hàng có nghĩa vụ bổ sung tài sản thế chấp trong thời hạn theo yêu cầu của công ty chứng khoán nhưng không quá ba (03) ngày làm việc. Thời hạn cụ thể do công ty chứng khoán và khách hàng thỏa thuận trên cơ sở Hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ.
Như vậy, khi thị trường giảm giá, tỷ lệ tài sản ròng hay giá trị chứng khoán thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì cho phép thì công ty chứng khoán sẽ thực hiện call margin.
Kể từ khi nhận được lệnh call margin, nhà đầu tư cần phải bán chứng khoán hoặc thực hiện việc bổ sung tiền/tài sản thế chấp để tối thiểu đảm bảo tỷ lệ ký quỹ duy trì. Mức cụ thể và thời hạn bổ sung tiền/tài sản thế chấp sẽ do công ty chứng khoán quy định, tuy nhiên sẽ không quá 03 ngày làm việc.
Cũng tại Điều 9 Quyết định 87/QĐ-UBCK năm 2017 thì hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán được quy định như sau:
- Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán.
- Tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán đối với một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán.
- Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán đối với một loại chứng khoán không được vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán.
- Tổng số chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết.
Theo đó, công ty chứng khoán phải tuân thủ các hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ nêu trên. Khoản mục vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán được xác định theo báo cáo tài chính kiểm toán hoặc báo cáo tài chính được soát xét gần nhất nhưng không quá 06 tháng kể từ thời điểm tính toán.
Trường hợp công ty chứng khoán được điều chỉnh tăng vốn điều lệ giữa hai kỳ báo cáo kiểm toán và soát xét, khoản mục vốn chủ sở hữu được xác định trong trường hợp này là tại báo cáo tài chính được lập tại kỳ gần nhất.
Trân trọng!