08/06/2023 08:43

Cách xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót theo Công văn 1647/TCT-CS

Cách xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót theo Công văn 1647/TCT-CS

Tôi muốn hỏi nếu hóa đơn điện tử đã lập có sai sót thì xử lý thế nào? “Hoài Bảo – Bình Định”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Ngày 10/5/2023, Tổng cục Thuế có Công văn 1647/TCT-CS hướng dẫn về việc xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót.

Xem thêm:

Hướng dẫn kê khai hóa đơn đầu vào bị bỏ sót theo Công văn 2397/CTBNI-KKKTT

Hướng dẫn thủ tục hủy hóa đơn điện tử

Hướng dẫn về thuế GTGT với công trình đã nghiệm thu trong tháng 6/2023 nhưng xuất hóa đơn tháng 7/2023

Hướng dẫn xử lý sai sót thông tin địa chỉ người bán trên hóa đơn điện tử

1. Hướng dẫn xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót

Theo đó, căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, điểm c, e khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021.

Căn cứ các quy định trên, tại Quyết định 1450/QĐ-TCT ngày 7/10/2021 và Quyết định 1510/QĐ-TCT ngày 21/9/2022 của Tổng cục Thuế đã quy định các thành phần dữ liệu hóa đơn điện tử đáp ứng. Trong đó:

Trường hợp 1: Người bán lựa chọn hình thức xử lý hoá đơn đã lập bằng cách lập hóa đơn điều chỉnh.

Cách xử lí:

Người bán thực hiện điều chỉnh giảm toàn bộ thông tin dòng hàng hóa bị sai và điều chỉnh tăng tương ứng dòng hàng hóa đúng (bao gồm: tên hàng hóa dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thuế suất, thành tiền chưa thuế).

Trường hợp 2: Người bán lựa chọn hình thức xử lý hoá đơn đã lập bằng cách lập hóa đơn thay thế.

Cách xử lí:

Người bán lập lại hóa đơn mới với số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu hóa đơn và đầy đủ toàn bộ nội dung của hóa đơn cần thay thế.

Lưu ý: Đối với cả 2 trường hợp trên, hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế đều cần ghi thông tin: “Điều chỉnh/thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu... số... ngày… tháng… năm...” và trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.

Trường hợp 3: Doanh nghiệp lập hóa đơn điện tử bị sai (gọi là hóa đơn F0), sau đó doanh nghiệp lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế (gọi là hóa đơn F1 điều chỉnh/thay thế cho hóa đơn F0) và phát hiện hóa đơn F1 vẫn bị sai.

Cách xử lí:

- Nếu lựa chọn phương pháp điều chỉnh: Doanh nghiệp lập hóa đơn F2 điều chỉnh cho hóa đơn F0 (lúc này hóa đơn F0 đã bị điều chỉnh bởi hóa đơn F1).

- Nếu lựa chọn phương pháp thay thế: Doanh nghiệp lập hóa đơn F2 thay thế cho hóa đơn F1 (lúc này hóa đơn F0 đã bị thay thế bởi hóa đơn F1).

Trường hợp 4:  Hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính có sai sót.

Cách xử lí:

- Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Mẫu 04/SS-HĐĐT: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/Mau_04.SS_HDDT.doc

+ Trường hợp doanh nghiệp thực hiện xử lý hóa đơn có sai sót theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP và khoản 6 Điều 12 Thông tư 78/2021/TT-BTC thì doanh nghiệp gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế.

+ Trường hợp xử lý hóa đơn có sai sót theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì người nộp thuế không phải gửi thông báo sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế.

- Doanh nghiệp lập hóa đơn thay thế theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Thông tư 78/2021/TT-BTC.

Đồng thời, doanh nghiệp không phải hủy hóa đơn đã lập, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.

2. Hướng dẫn lập hóa đơn khi trả lại hàng hóa

Theo đó, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:

Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn:

Điều 8. Thời điểm xác định thuế GTGT

1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Như vậy, căn cứ quy định trên, trường hợp xuất hàng hóa dưới hình thức hoàn trả hàng hóa thì sử dụng hóa đơn theo quy định nêu trên.

Nguyễn Ngọc Trầm
9873

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn