17/04/2019 17:15

Cách xác định trường hợp cho vay nặng lãi và phân tích pháp lý

Cách xác định trường hợp cho vay nặng lãi và phân tích pháp lý

Hiện nay, hình thức cho vay nặng lãi diễn ra ngày càng phổ biến, đã để lại những hậu quả khôn lường. Núp bóng dưới nhiều loại hình khác nhau chẳng hạn như phát tờ rơi, cầm đồ, vay tín chấp... Hành vi cho vay nặng lãi là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, là nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại tội phạm khác như: tội cố ý gây thương thương tích, cưỡng đoạt tài sản…

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của Bộ luật hình sự năm 2015 được xếp ở nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Người phạm tội dùng tiền để kinh doanh bất hợp pháp.

Minh chứng cho loại tội phạm trên thông qua Bản án 233/2018/HS-ST ngày 19/09/2018 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cụ thể:

Vào ngày 15/01/2018 anh H có thỏa thuận viết biên nhận vay tiền từ Nguyễn Anh T số tiền 14.000.000 đồng, mỗi ngày đóng tiền lãi là 280.000 đồng (tương đương 60%/tháng), tiền gốc cho vay giữ nguyên khi nào anh H có khả năng trả số tiền vay gốc một lần thì hợp đồng cho vay chấm dứt. Đến khoảng tháng 03/2018, anh H không có khả năng đóng tiền lãi nên lánh mặt, đến ngày 08/5/2018 Th gặp anh H tại đầu hẻm 140 Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa thì yêu cầu trả tiền và có hành vi dùng chân đạp vào người anh H.

Khoảng tháng 9/2017, Ngô Doãn Th đi thu tiền vay, hàng tháng T trả lương cho Th 4.000.000 đồng và lo ăn ở. Hình thức T cho vay là: Người có nhu cầu vay tiền sẽ trực tiếp gặp T hoặc gọi điện thoại để thỏa thuận số tiền vay, cung cấp giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. T là người quyết định việc cho vay và quy định lãi suất cho vay từng trường hợp cụ thể. Người vay đồng ý sẽ gặp T để T giao tiền hoặc T đưa cho Th giao và yêu cầu người vay viết biên nhận theo mẫu đã soạn sẵn nội dung. Theo đó, biên nhận chỉ thể hiện họ tên người vay, địa chỉ, số tiền vay, thời điểm vay và ký tên, không thể hiện lãi suất vay trong biên nhận “ .

Tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất vay như sau:

''Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay. Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 20% : 12 tháng = 1,666%/tháng.

Tùy trường hợp mà hành vi cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính: Điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự-an toàn xã hội thì đối với hành vi cho vay nặng lãi có thể phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”. Mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 9%/năm được công bố theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010.

Về cấu thành tội cho vay lãi nặng được quy định Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

''1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm''.

Theo quy định của Điều luật trên, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:

+ Thứ nhất: theo quy định trên thì người cho người khác vay với lãi suất cao với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự. Trong đó, Khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các bên có thỏa thuận về lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản vay.

+ Thứ hai: Ngoài điều kiện về lãi xuất, hành vi phạm tội trên còn phải có đủ một trong các điều kiện sau: Một là thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; hai là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng trong thời hạn là mười hai tháng; ba là đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Lãi suất suất cao nhất mà pháp luật quy định trên tháng là: 5 lần x 1,666% = 8,33%. Như vậy, chỉ khi mức lãi suất cao hơn lãi suất cao nhất pháp luật quy định 5 lần trở lên thì sẽ cầu thành tội cho vay nặng lãi theo pháp luật hình sự.

Trường hợp bên vay không trả được nợ và phía bên cho vay khởi kiện ra tòa án thì pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong phạm vi lãi suất mà pháp luật cho phép. Phần vượt quá lãi suất sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Có thể thấy rằng hành vi cho vay lãi nặng là hành vi phạm tội nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với loại tội phạm này.

Kim Huệ
9187

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn