11/01/2025 08:43

Cách xác định thời gian, tiền lương tính hưởng chế độ khi sắp xếp bộ máy đối với CBCCVC

Cách xác định thời gian, tiền lương tính hưởng chế độ khi sắp xếp bộ máy đối với CBCCVC

Theo Nghị định 78 thì thời gian, tiền lương tính hưởng chế độ với CBCCVC khi sắp xếp bộ máy được xác định ra sao?

Cách xác định thời gian, tiền lương tính hưởng chế độ khi sắp xếp bộ máy đối với CBCCVC

Việc xác định thời gian, tiền lương tính hưởng chế độ khi sắp xếp bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được quy định tại Điều 5 Nghị định 178/2024/NĐ-CP như sau:

- Thời gian nghỉ sớm để tính số tháng hưởng chế độ trợ cấp hưu trí một lần là thời gian kể từ thời điểm nghỉ hưu ghi tại quyết định nghỉ hưu đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Bảng tính tuổi nghỉ hưu theo Phụ lục I và Phụ lục II Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tối đa 5 năm (60 tháng).

- Thời gian để tính trợ cấp thôi việc là thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang, gồm:

+ Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã và lực lượng vũ trang.

+ Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; của các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương; thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

+ Đơn vị sự nghiệp công lập khác hoàn thành việc sắp xếp tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Trong đó:

+ Trường hợp thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 05 năm trở lên thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc tối đa 05 năm (60 tháng).

+ Trường hợp thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 05 năm thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc bằng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Thời gian để tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 9 và khoản 2 Điều 10 Nghị định 178/2024/NĐ-CP là tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo sổ bảo hiểm xã hội của mỗi người) nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc làm hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ.

Trường hợp tổng thời gian để tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc:

+ Từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính là 0,5 năm;

+ Từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 01 năm.

- Thời gian để tính trợ cấp theo số năm nghỉ hưu trước tuổi được quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, nếu có số tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc:

+ Từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính là 0,5 năm;

+ Từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 01 năm.

- Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chính sách, chế độ nghỉ việc là ngày 01 tháng sau liền kề với tháng sinh; trường hợp trong hồ sơ không xác định ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh.

- Tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi nghỉ việc, bao gồm 01 trong 02 mức lương sau:

+ Mức tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp;

+ Mức lương theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động và các khoản phụ cấp lương (gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp công vụ; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang).

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách, chế độ tiền lương khi sắp xếp bộ máy đối với CBCCVC

Theo Điều 16 Nghị định 178/2024/NĐ-CP thì nguồn kinh phí thực hiện chính sách, chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy được quy định như sau:

- Đối với cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã; lực lượng vũ trang và người lao động (trừ người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập): Kinh phí giải quyết chính sách, chế độ do ngân sách nhà nước cấp.

- Đối với viên chức và người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập:

+ Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: Kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn thu hợp pháp khác.

+ Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên: Kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị, nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu hợp pháp khác. Ngân sách nhà nước sẽ bố trí kinh phí giải quyết chính sách, chế độ trên số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao.

+ Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên: Kinh phí giải quyết chính sách, chế độ do ngân sách nhà nước cấp.

- Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phù hợp với vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức: Ngoài kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức đã được bố trí hằng năm theo quy định, được cấp bổ sung kinh phí đào tạo, bồi dưỡng bằng 5% tổng quỹ lương cơ bản (không bao gồm phụ cấp) trong năm đầu thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

- Ngân sách nhà nước bảo đảm đủ toàn bộ khoản kinh phí tương đương với số tiền đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ hưu trước tuổi trong thời gian từ đủ 05 năm đến đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu.

Đỗ Minh Hiếu
1

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]