06/07/2023 14:58

Cách tính thuế TNCN đối với cá nhân không có cư trú?

Cách tính thuế TNCN đối với cá nhân không có cư trú?

Cho tôi hỏi cách tính thuế TNCN đối với cá nhân không có cư trú? “Trà Linh_Daklak”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Chính sách thuế đối với cá nhân không có cư trú?

Ngày 26/6/2023, Cục Thuế TP Hà Nội có Công văn 43859/CTHN-TTHT về chính sách thuế đối với cá nhân không cư trú.

Theo đó, Cục Thuế TP Hà Nội  cho ý kiến về chính sách thuế đối với người nước ngoài là cá nhân không cư trú như sau:

- Trường hợp các khoản chi trả của Công ty cho Tổng Giám đốc là cá nhân người nước không cư trú được xác định là thu nhập từ tiền lương, tiền công, các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công mà người lao động được hưởng dưới mọi hình thức phát sinh tại Việt Nam theo quy định tại Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 20% trước khi chi trả cho cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

- Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam về phép mỗi năm một lần sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN theo quy định tại tiết g.6 điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

- Đối với Công ty TNHH 02 thành viên trở lên nên các khoản chi tiền lương, tiền công cho Tổng giám đốc trong thời gian công tác tại Việt Nam do Công ty chi trả sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của Công ty nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.

2. Cách tính thuế TNCN đối với cá nhân không có cư trú?

Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như sau:

Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x 20%

Trường hợp cá nhân không cư trú làm việc đồng thời ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam thực hiện theo công thức sau:

a) Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam

=

Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam

x

Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)

+

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

Tổng số ngày làm việc trong năm

Trong đó: Tổng số ngày làm việc trong năm được tính theo chế độ quy định tại Bộ Luật Lao động của Việt Nam.

b) Đối với các trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam

=

Số ngày có mặt ở Việt Nam

x

Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)

+

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

365 ngày

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam tại điểm a, b nêu trên là các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động.

3. Điều kiện để các khoản chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bổ sung theo Thông tư 96/2015/TT-BTC, thì trừ các khoản chi không được trừ, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Lưu ý:

+ Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

+ Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

+ Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).

+ Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm Thông tư 78/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Điểm này.

+ Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

+ Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị dưới 20 triệu đồng và có thanh toán bằng tiền mặt thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Trân trọng!

Lê Thị Phương Ngân
2245

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]