11/04/2024 15:16

Cách tính lãi suất ngân hàng theo tháng hiện nay

Cách tính lãi suất ngân hàng theo tháng hiện nay

Hiện tại, tôi muốn gửi tiết kiệm ngân hàng nhưng không biết cách tính lãi suất là bao nhiêu? Nếu tôi gửi 1 tỷ, thì sau 2 tháng tôi sẽ nhận được bao nhiêu tiền? “Chị L - Phú Yên”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định về lãi suất tiết kiệm ngân hàng hiện nay?

Căn cứ Điều 9 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về lãi suất như sau:

- Tổ chức tín dụng quy định lãi suất tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất trong từng thời kỳ.

-  Phương pháp tính lãi tiền gửi tiết kiệm thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Phương thức trả lãi tiền gửi tiết kiệm thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền.

Như vậy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng được các ngân hàng quy định phù hợp với quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong các thời kỳ, phương thức trả tiền lãi theo thỏa thuận của ngân hnagf với người gửi miễn là phù hợp với quy định của ngân hàng nhà nước. 

2. Công thức tính lãi suất theo tháng của ngân hàng

Để tính được lãi suất đúng nhất, nó phụ thuộc vào việc chị sẽ chọn cách gửi tiết kiệm nào. Tương ứng với từng cách gửi, ta có các công thức như sau:

- Công thức tính lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn;

Đây là hình thức gửi tiết kiệm không có mức kỳ hạn kèm theo. Người gửi có thể rút tiền mặt bất cứ thời điểm nào và không cần thông báo trước với ngân hàng. Công thức tính như sau:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm)/12 x số tháng thực gửi

- Công thức tính lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn theo tháng;

Khi bạn gửi tiền tiết kiệm có thời hạn nghĩa là sau một khoảng thời gian nhất định bạn mới có thể rút được khoảng tiền gửi đó. Bạn có thể chọn mức kỳ hạn mà ngân hàng đưa ra như theo tuần, tháng, quý, hoặc năm tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu sử dụng, trong trường hợp này là các mốc theo tháng.

Nếu so trực tiếp với có lãi không kì hạn thì thường lãi có kì hạn sẽ có khoảng lời nhiều hơn. Công thức tính như sau:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%năm)/12 x số tháng gửi

- Công thức tính lãi suất kép.

Lãi kép (lãi cộng dồn) là hình thức tái đầu tư lại lãi suất. Khi bạn gửi tiền vào ngân hàng, sau một  khoảng thời gian, tiền bắt đầu sinh lãi thì bạn có thể nhập lãi vào tiền vốn để tiếp tục đầu tư hoặc gửi tiết kiệm. Công thức tính như sau:

A = P * (1 + r)^n

Trong đó:

A là số tiền cuối cùng bạn nhận được

(P) là số tiền gốc 

(r) là Lãi suất hàng tháng 

(n) là số kỳ hạn 

Như vây, nếu như chị gửi 1 tỷ trong thời hạn 2 tháng thì ta có 3 kết quả tương tứng với 3 công thức trên như sau:

Đối với lãi suất không kì hạn, giả sử % lãi suất không kì hạn của ngân hàng là 0,5%/năm thì số tiền lãi chị nhận được như sau:

1 tỷ x (0,5%/12) x 2 = 833.333 đồng

Đối với lãi suất có kì hạn, giả sử % lãi suất có kì hạn của ngân hàng là 6%/năm thì số tiền lãi chị nhận được như sau:

1 tỷ x (6%/12) x 2 = 10.000.000 đồng

Đối với lãi suất kép, giả sử % lãi suất gửi tiết kiệm của ngân hàng hàng năm là 6% thì số tiền lãi chị nhận được như sau:

1 tỷ x (1 + 6%/12)^2 = 10.025.000 đồng

3. Mẹo để lựa chọn cách gửi “hời” nhất

Thứ nhất, phụ thuộc vào khả năng tiêu dùng của chị, từ đó chọn kỳ hạn (thời gian) gửi tiết kiệm phù hợp sao cho đảm bảo khả năng sinh lời tốt nhất cho khoản tiền gửi. Ví dụ như chị có 1 tỷ và trong thời gian tới không phải sử dụng tới thì chọn gửi lãi suất có kì hạn sẽ tốt hơn.

Thứ hai, hãy chia số tiền tích lũy thành nhiều sổ tiết kiệm theo nhiều kỳ hạn từ đó chị có thể quản lý tài chính một cách linh hoạt hơn.

(Ví dụ chia một nửa số tiền gửi 2 năm, một phần gửi kỳ hạn 1 năm và một phần gửi 6 tháng. Như vậy khi chị có việc gấp cần rút một khoản tiền nhỏ thì sẽ rút khoản kỳ hạn 6 tháng để không làm mất lãi của hai khoản kia).

Thứ ba, như đã chia sẻ, lãi suất của các ngân hàng là khác nhau, việc chọn đúng ngân hàng uy tín vừa có lãi suất tốt là việc làm quan trọng nhất.

Nguyễn Minh Khôi
4566

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]