Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin pháp luật để đăng ký kết hôn đối với công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn cư trú ở nước ngoài.
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch về cách thức nộp và tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch, cụ thể:
- Người yêu cầu đăng ký kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.
+ Hồ sơ đăng ký hộ tịch chỉ cần lập một (01) bộ.
- Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ để đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người yêu cầu bổ sung hoàn thiện. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả.
Trường hợp người yêu cầu nộp giấy tờ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu xuất trình bản chính. Người yêu cầu chỉ nộp bản chụp và xuất trình bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký vào bản chụp xác nhận về việc đã đối chiếu nội dung giấy tờ đó.
Trường hợp pháp luật quy định giấy tờ xuất trình thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu nộp thêm bản sao hoặc bản chụp của giấy tờ xuất trình.
- Trường hợp người yêu cầu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc muốn nhận kết quả qua hệ thống bưu chính thì phải gửi nộp lệ phí đăng ký hộ tịch, lệ phí cấp bản sao trích lục hộ tịch nếu không thuộc diện được miễn lệ phí và chi phí trả kết quả qua hệ thống bưu chính. Người tiếp nhận hồ sơ ghi rõ phương thức trả kết quả trong giấy tiếp nhận.
Được trả kết quả qua hệ thống bưu chính đối với yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài giải quyết kết hôn, thay đổi hộ tịch, khai tử, ly hôn, hủy hôn nhân trái pháp luật và yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch nếu cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký.
- Đối với việc đăng ký hộ tịch phải tiến hành xác minh theo quy định của Luật Hộ tịch 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì thời gian gửi văn bản yêu cầu và thời gian trả lời kết quả không tính vào thời hạn giải quyết việc hộ tịch cụ thể.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP về việc ủy quyền đăng ký hộ tịch
- Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch, yêu cầu đăng ký hộ tịch được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Do đó, tương tự việc kết hôn tại cơ quan nhà nước trên lãnh thổ Việt Nam việc đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cũng phải xuất phát từ sự tự nguyện của hai bên nam nữ và không được phép ủy quyền cho người khác đăng ký kết hôn hộ. Ngoài ra, còn cấm hành vi cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, tảo hôn,… (Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014).