Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Để thực hiện thủ tục thay đổi người đại diện theo ủy quyền của hộ gia đình đứng tên vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội cần làm theo các bước sau:
Bước 1: Các thành viên từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thỏa thuận cử 01 (một) cá nhân trong số các thành viên này đại diện theo ủy quyền để đứng tên người vay và thực hiện các giao dịch với ngân hàng chính sách xã hội nơi thực hiện thủ tục và lập Giấy sửa đổi ủy quyền theo mẫu số 02/UQ kèm theo Công văn số 5650/NHCS-TDNN.
Tải giấy sửa đổi ủy quyền (Mẫu số 02/UQ): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/giay-sua-doi-uy-quyen.doc
Tải công văn số 5650/NHCS-TDNN: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/cong-van-sua-doi-uy-quyen.pdf
Bước 2: Gửi hồ sơ đề nghị thay đổi người đại diện theo ủy quyền của hộ gia đình vay vốn ngân hàng chính sách xã hội trực tiếp tới ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn nơi người vay cư trú hợp pháp. Hồ sơ bao gồm:
- Giấy sửa đổi ủy quyền (mẫu số 02/UQ): Chuẩn bị 02 bản (01 bản lưu tại ngân hàng chính sách xã hội nơi thực hiện thủ tục, 01 bản lưu hộ gia đình vay vốn ngân hàng chính sách xã hội);
- Sổ vay vốn: 01 bản chính (bản người vay lưu giữ);
- 01 bản sao có công chứng hoặc chứng thực (lưu tại ngân hàng chính sách xã hội nơi thực hiện thủ tục) của một trong các giấy tờ sau:
+ Giấy chứng tử;
+ Quyết định của Tòa án;
+ Bản án của Tòa án;
+ Giấy xác nhận về tình trạng sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên và có thời hạn trong vòng 6 tháng tính đến ngày có yêu cầu thay đổi người ủy quyền;
+ Hợp đồng lao động ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ từ Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn, ngân hàng chính sách xã hội nơi thực hiện làm thủ tục thay đổi người đại diện theo ủy quyền của hộ gia đình vay vốn ngân hàng chính sách xã hội và giao cho hộ gia đình Sổ vay vốn người vay lưu giữ đã thay đổi người đại diện.
Cách viết giấy sửa đổi ủy quyền như sau:
- Tại (1) và (2), người làm đơn ghi đầy đủ thông tin về ngày tháng năm và điền tổng số thành viên trong hộ gia đình, gồm cả người chưa thành niên và thành niên;
Lưu ý, trong bảng không ghi thành viên trong hộ gia đình đã chết; tuyên bố chết; mất tích; mất năng lực hành vi dân sự; khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi dân sự; đang chấp hành án phạt tù giam, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
- Người làm đơn điền STT (3) theo số thứ tự của người được ủy quyền đã được ghi tại mục I của Giấy sửa đổi ủy quyền.
- Tại STT (4), người làm đơn điền số thứ tự của người được ủy quyền được ghi tại mục I của Giấy ủy quyền hoặc Giấy sửa đổi Ủy quyền được lập trước đây.
- Về lý do (5), người làm đơn ghi một trong các lý do thực hiện thay đổi người đại diện như sau:
+ Chết: Có giấy chứng tử;
+ Bị tuyên bố là chết: Có Quyết định của Tòa án;
+ Mất năng lực hành vi dân sự: Có Quyết định của Tòa án;
+ Khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Có Quyết định của Tòa án;
+ Đang chấp hành án phạt tù giam: Có Bản án của Tòa án;
+ Ly hôn và các tranh chấp khác làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của người đang đứng tên người vay;
+ Ốm đau dài ngày không trực tiếp tham gia được các giao dịch với ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay: Có giấy xác nhận về tình trạng sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên và có thời hạn trong vòng 6 tháng tính đến ngày có yêu cầu thay đổi người ủy quyền;
+ Đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: Có hợp đồng lao động ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Tại Bên ủy quyền (6) cần ghi tên các thành viên tại mục I của Giấy sửa đổi ủy quyền trừ thành viên đã được cử làm đại diện theo ủy quyền ghi tại mục II của Giấy sửa đổi ủy quyền cùng với chữ ký của từng thành viên.
- Tại bên được ủy quyền (7), người được cử làm đại diện theo ủy quyền tại mục II của Giấy sửa đổi ủy quyền ghi rõ họ tên và chữ ký.
Trân trọng!