13/09/2024 17:39

Cách phân biệt giữa tội phạm và phạm tội

Cách phân biệt giữa tội phạm và phạm tội

Nhiều người hiện nay vẫn còn hay hiểu nhầm giữa hai khái niệm “tội phạm” và “phạm tội”, Vậy cách phân biệt giữa “tội phạm” và “phạm tội” như thế nào? Phân loại tội phạm theo Bộ luật hình sự ra sao?

1. Cách phân biệt giữa tội phạm và phạm tội

“Tội phạm” và “phạm tội” là hai khái niệm khác nhau nhưng khi sử dụng thì lại dễ gây nhầm lẫn. Sau đây là cách phân biệt giữa tội phạm và phạm tội:

* Tội phạm:

Căn cứ tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 quy định, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 phải bị xử lý hình sự.

Theo đó, tội phạm phải có đầy đủ các yếu tố sau đây:

- Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự 2015.

- Người thực hiện hành vi có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Người thực hiện hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi đó phải có lỗi (cố ý hoặc vô ý).

- Và hành vi đó xâm phạm đến khách thể được Bộ luật hình sự 2015 bảo vệ.

Có thể hiểu đơn giản, “tội phạm” là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự 2015, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý.

* Phạm tội: 

Còn “phạm tội” là việc một người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm và phải qua điều tra, truy tố, xét xử thì mới xác định được hành vi phạm tội đó có phải là tội phạm hay không. 

Tuy nhiên, không phải mọi hành vi “phạm tội” đều là “tội phạm”. Chẳng hạn như, khi chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi “phạm tội” đó có thể không bị coi là tội phạm.

Như vậy, có thể hiểu “tội phạm” là một danh từ chỉ một hành vi nguy hiểm cho xã hội còn “phạm tội” là một động từ chỉ hành động thực hiện tội phạm nói trên. 

2. Phân loại tội phạm theo Bộ luật hình sự 2015

Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015, căn cứ vào tính chất và mức nguy hiểm của hành vi phạm tội, tội phạm được phân loại thành 04 loại như sau: tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. 

Cụ thể:

- Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự 2015 quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;

- Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;

- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Trong đó: Khung hình phạt được hiểu là là giới hạn phạm vi các loại cũng như các mức hình phạt được luật quy định cho phép Tòa án lựa chọn để áp dụng cho người phạm tội. Đối với mỗi tội phạm luật có thể chỉ quy định một khung hình phạt nhưng thông thường sẽ quy định nhiều khung hình phạt để áp dụng cho những loại trường hợp phạm tội khác nhau của tội đó.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
9

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn