26/09/2024 09:55

Cách nhận biết cấp bậc, lực lượng của chiến sĩ trong quân đội thông qua quân hàm

Cách nhận biết cấp bậc, lực lượng của chiến sĩ trong quân đội thông qua quân hàm

Hệ thống cấp bậc quân hàm sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được quy định như thế nào? Chức vụ, cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam? Cách nhận biết cấp bậc, lực lượng của chiến sĩ trong quân đội thông qua quân hàm như thế nào?

1. Hệ thống cấp bậc quân hàm sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được quy định như thế nào?

Theo Điều 10 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 quy định hệ thống cấp bậc quân hàm của sĩ quan gồm 03 cấp, 12 bậc như sau:

(1) Cấp Uý có 04 bậc:

- Thiếu uý;

- Trung uý;

- Thượng uý;

- Đại uý.

(2) Cấp Tá có 04 bậc:

- Thiếu tá;

- Trung tá; 

- Thượng tá;

- Đại tá.

(3) Cấp Tướng có 04 bậc:

- Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân;

- Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân;

- Thượng tướng, Đô đốc Hải quân;

- Đại tướng.

2. Chức vụ, cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Căn cứ Điều 8 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về chức vụ, cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội như sau:

(1) Chức vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ:

- Phó trung đội trưởng và tương đương;

- Tiểu đội trưởng và tương đương;

- Phó tiểu đội trưởng và tương đương;

- Chiến sĩ.

(2) Cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ: Thượng sĩ; Trung sĩ; Hạ sĩ; Binh nhất; Binh nhì.

(3) Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được phong, thăng cấp bậc quân hàm tương ứng với chức vụ; có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được thăng quân hàm trước thời hạn; có thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc.

(4) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định phong, thăng, giáng, tước cấp bậc quân hàm; bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức; quy định chức vụ tương đương và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ quy định tại mục (1)(2) nêu trên.

3. Cách nhận biết cấp bậc, lực lượng của chiến sĩ trong quân đội thông qua quân hàm

Quân hàm trên vai áo là một điểm đặc trưng, thể hiện cấp bậc của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam 

Trong đó, quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định tại Điều 6 Nghị định 82/2016/NĐ-CP, Điều 12 Nghị định 61/2019/NĐ-CP có hình dáng như sau:

* Quân hàm binh sĩ : 

- Có hai cạnh đầu nhỏ và hai cạnh dọc. Trên nền cấp hiệu gắn cúc cấp hiệu dập nổi hoa văn hình hai bông lúa xung quanh và ngôi sao năm cánh ở giữa, ở đầu cấp hiệu có vạch hình chữ V màu đỏ (riêng Cảnh sát biển có màu vàng), Binh nhất 2 vạch, Binh nhì 1 vạch

-Đồng thời, tùy vào từng lực lượng mà nền cấp hiệu và viền cấp hiệu cũng sẽ khác nhau như sau:

+ Lục quân, Tác chiến không gian mạng và Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có nền cấp hiệu màu be và viền cấp hiệu màu đỏ

+ Phòng không - Không quân có nền cấp hiệu màu be và viền cấp hiệu màu xanh da trời 

+ Hải quân có nền cấp hiệu màu be và viền cấp hiệu màu tím than

+ Bộ đội Biên phòng có nền cấp hiệu màu xanh lá cây và viền cấp hiệu màu đỏ

+ Cảnh sát biển có nền cấp hiệu màu xanh dương và viền cấp hiệu màu vàng.

* Quân hàm Hạ sĩ quan

Quân hàm của hạ sĩ quan tương đối giống với quân hàm binh sĩ, chỉ khác 1 điểm là ở đầu cấp hiệu của hạ sĩ quan có vạch ngang màu đỏ (riêng Cảnh sát biển có màu vàng) thay vì vạch chữ V như binh sĩ, Thượng sĩ có 3 vạch, Trung sĩ 2 vạch và Hạ sĩ 1 vạch

* Lưu ý: 

- Riêng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ Hải quân khi mặc áo kiểu có yếm thì sẽ mang quân hàm có hình chữ nhật, nền cấp hiệu màu tím than, có hình phù hiệu Hải quân và không có đường viền cấp hiệu

- Trên nền cấp hiệu gắn vạch ngang màu vàng

+ Binh nhì: 01 vạch ở đầu dưới cấp hiệu

+ Binh nhất: 02 vạch cân đối ở hai đầu cấp hiệu

+ Hạ sĩ: 01 vạch cân đối ở giữa cấp hiệu

+ Trung sĩ: 02 vạch cân đối ở giữa cấp hiệu

+ Thượng sĩ: 03 vạch cân đối ở giữa cấp hiệu

4. Quyền và nghĩa vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội là gì?

Tại Điều 9 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định, hạ sĩ quan, binh sĩ được Nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân.

Hạ sĩ quan, binh sĩ có nghĩa vụ:

- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và thực hiện nghĩa vụ quốc tế;

- Bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;

- Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội nhân dân;

- Học tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, ý thức kỷ luật và thể lực; nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
514

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn