15/04/2024 18:30

Cách đăng kí trở thành thuyền viên trên tàu biển Việt Nam

Cách đăng kí trở thành thuyền viên trên tàu biển Việt Nam

Tôi có mong muốn được làm việc trên tàu biển, vậy cách đăng kí trở thành thuyền viên trên tàu biển Việt Nam như thế nào, mong được giúp đỡ? “Anh T - Quãng Ngãi”.

Chào anh, Ban biên tập xin trả lời như sau:

1. Điều kiện để trở thành thuyền viên trên tàu biển Việt Nam

Theo khoản 2 Điều 59 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về thuyền viên làm việc trên tàu biển như sau:

- Thuyền viên là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm nhiệm chức danh trên tàu biển Việt Nam.

- Thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài được phép làm việc trên tàu biển Việt Nam;

+ Có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, tuổi lao động và chứng chỉ chuyên môn theo quy định;

+ Được bố trí đảm nhận chức danh trên tàu biển;

+ Có sổ thuyền viên;

+ Có hộ chiếu để xuất cảnh hoặc nhập cảnh, nếu thuyền viên đó được bố trí làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế.

- Công dân Việt Nam có đủ điều kiện có thể được làm việc trên tàu biển nước ngoài.

- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể chức danh và nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên; định biên an toàn tối thiểu; tiêu chuẩn chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên; đăng ký thuyền viên và sổ thuyền viên; điều kiện để thuyền viên là công dân nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam.

- Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết về tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.

2. Cách đăng kí trở thành thuyền viên trên tàu biển Việt Nam

Theo đó, thủ tục đăng ký và cấp Sổ thuyền viên phải đảm bảo các bước như sau:

Bước 1: Tổ chức, cá nhân nộp một (01) bộ hồ sơ đề nghị đăng ký và cấp Sổ thuyền viên trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến một trong các Cơ quan đăng ký thuyền viên. 

Hồ sơ bao gồm:

+ Tờ khai đề nghị cấp Sổ thuyền viên theo mẫu;

+ Hai (02) ảnh màu (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính), 01 tệp (file) ảnh (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến), cỡ 4cm x 6cm, theo kiểu chụp ảnh căn cước công dân, chụp trong vòng 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ;

+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính: Hộ chiếu hoặc Giấy chứng minh nhân dân 09 số còn hiệu lực theo quy định (đối với trường hợp không có căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân 12 số);

+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản;

+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính văn bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh đảm nhận đối với các chức danh không yêu cầu Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (đối với thuyền viên);

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính văn bản tiếp nhận thực tập của chủ tàu (đối với học viên thực tập).

Bước 2: Cơ quan đăng ký thuyền viên tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

+ Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ;

+ Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời gian chậm nhất hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký thuyền viên hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ (gửi bằng văn bản hoặc thông qua tài khoản của tổ chức, cá nhân trên hệ thống dịch vụ công).

Bước 3: Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, theo quy định, cơ quan đăng ký thuyền viên thực hiện việc vào Sổ đăng ký thuyền viên và cấp Sổ thuyền viên theo mẫu. Trường hợp không cấp, cơ quan đăng ký thuyền viên phải trả lời bằng văn bản trong thời hạn quy định và nêu rõ lý do.

(Căn cứ khoản 2 Điều 1 Thông tư 56/2023/TT-BGTVT)

Như vậy, để trở thành thuyền viên, ta thực hiện theo các bước trên và đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Minh Khôi
669

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]