16/05/2024 16:04

Các trường hợp kháng cáo, kháng nghị không được chấp nhận?

Các trường hợp kháng cáo, kháng nghị không được chấp nhận?

Khi cho rằng bản án sơ thẩm được tuyên chưa phù hợp, đương sự có quyền kháng cáo, kháng nghị không? Có trường hợp đương sự nộp đơn kháng cáo, kháng nghị mà không được Tòa án chấp nhận không? Anh Khánh - Đồng Nai

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quyền kháng cáo, kháng nghị của đương sự trong vụ án dân sự và hình sự

Căn cứ theo Điều 271 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 về người có quyền kháng cáo trong vụ án dân sự quy định:

Điều 271. Người có quyền kháng cáo

Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Người có quyền kháng cáo trong vụ án hình sự được quy định cụ thể tại Điều 331 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

Điều 331. Người có quyền kháng cáo

1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

2. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

3. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

Như vậy, trong cả vụ án dân sự và hình sự thì người có quyền kháng cáo là đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. 

Ngoài ra, các đối tượng là nguyên đơn, bị đơn dân sự, người đại diện của họ cũng có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

2. Các trường hợp kháng cáo, kháng nghị không được chấp nhận?

Căn cứ theo Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 kháng cáo, kháng nghị không được chấp nhận và giữ nguyên bản án sơ thẩm trong trường hợp sau:

Điều 356. Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm

Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của bản án sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật.

Như vậy, kháng cáo, kháng nghị không được chấp nhận trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm xét thấy các quyết định của bản án sơ thẩm là có căn cứ và đúng với pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, việc kháng cáo, kháng nghị phải được diễn trong trong thời hạn được quy định, nếu quá thời hạn mà không có kháng cáo, kháng nghị thì xem như các bên chấp nhận bản án sơ thẩm.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 335 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:

Điều 335. Kháng cáo quá hạn

  1. Việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn do Bộ luật này quy định.

...

Như vậy, việc kháng cáo quá hạn chỉ được chấp nhận nếu người có quyền kháng cáo thực hiện việc kháng cáo quá hạn khi có lý lí do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn pháp luật quy định.

Trường hợp người có quyền kháng cáo không kháng cáo trong thời hạn pháp luật quy định và không có lý do chính đáng cho việc quá hạn đó thì việc kháng cáo cũng không được chấp nhận.

3. Khi nào thì Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại như sau:

Điều 358. Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại

2. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong các trường hợp:

a) Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần mà Bộ luật này quy định;

b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm;

c) Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội;

d) Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ;

đ) Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.

Như vậy, khi thuộc một trong những trường hợp được liệt kê trên thì Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới.

Nguyễn Tiến Khoa
2324

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]