24/04/2024 14:33

Các trường hợp kế toán viên bị đình chỉ hành nghề kế toán từ ngày 01/7/2024

Các trường hợp kế toán viên bị đình chỉ hành nghề kế toán từ ngày 01/7/2024

Tôi nghe nói rằng từ ngày 1 tháng 7 năm 2024 Nhà nước sẽ ban hành quy định mới về các trường hợp bị đình chỉ hành nghề kế toán. Vậy những trường hợp đó là gì, mong nhận được giải đáp của Ban biên tập. Bạn Bảo Anh (Thanh Hóa).

Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Các trường hợp kế toán viên bị đình chỉ hành nghề kế toán từ ngày 01/7/2024

Từ ngày 01/7/2024, Thông tư 23/2024/TT-BTC hướng dẫn về quản lý và kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán chính thức có hiệu lực.

Theo đó, kế toán viên sẽ bị đình chỉnh hành nghề kế toán nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 12 Thông tư 296/2016/TT-BTC (sửa đổi bởi điểm g khoản 1 Điều 2 Thông tư 23/2024/TT-BTC) như sau:

- Có sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng;

- Không còn đủ điều kiện đăng ký hành nghề;

- Không chấp hành quy định của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra liên quan đến hoạt động hành nghề kế toán;

- Không thực hiện trách nhiệm của kế toán viên hành nghề kế toán;

- Kế toán viên hành nghề không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính;

- Kế toán viên hành nghề kế toán vi phạm các trách nhiệm gồm:

+ Sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đã bị hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các hoạt động nghề nghiệp kế toán;

+ Không cung cấp thông tin định kỳ hoặc đột xuất liên quan đến hoạt động hành nghề dịch vụ kế toán của mình theo yêu cầu của Bộ Tài chính;

+ Không chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra việc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán của Bộ Tài chính.

Cần lưu ý rằng nếu bị đình chỉ hành nghề kế toán thì trong khoảng thời gian bị đình chỉ, kế toán viên hành nghề không được tiếp tục hành nghề dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, dịch vụ lập báo cáo tài chính, dịch vụ tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán.

Khi hết thời gian đình chỉ hành nghề kế toán, nếu kế toán viên bảo đảm các điều kiện theo quy định và Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đã được cấp còn thời hạn thì được tiếp tục hành nghề kế toán.

2. Các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán

Cũng theo Điều 13 Thông tư 296/2016/TT-BTC quy định thì kế toán viên hành nghề kế toán sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán trong các trường hợp:

- Gian lận, giả mạo hồ sơ để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;

- Bị thu hồi chứng chỉ kế toán viên;

- Bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Nếu bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán thì người bị thu hồi sẽ không được tiếp tục hành nghề dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, dịch vụ lập báo cáo tài chính, dịch vụ tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán.

Đồng thời, người bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán cũng không được đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán trong thời hạn là 12 tháng, kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực.

3. Trách nhiệm của kế toán viên hành nghề kế toán

Căn cứ theo Điều 67 Luật kế toán 2015 quy định thì kế toán viên hành nghề kế toán cần phải có các trách nhiệm sau:

- Thực hiện công việc kế toán liên quan đến nội dung dịch vụ kế toán thỏa thuận trong hợp đồng.

- Tuân thủ pháp luật về kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán.

- Chịu trách nhiệm trước khách hàng và trước pháp luật về nội dung dịch vụ kế toán đã cung cấp và phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

- Thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, thực hiện chương trình cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính.

- Tuân thủ sự quản lý nghề nghiệp và kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán của Bộ Tài chính hoặc của tổ chức nghề nghiệp về kế toán được Bộ Tài chính ủy quyền.

- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp để có nguồn chi trả bồi thường thiệt hại cho khách hàng do rủi ro trong quá trình kế toán viên hành nghề kế toán.

Thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kế toán viên hành nghề phải được thực hiện chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày kế toán viên hành nghề được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
413

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]