Căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 quy định thì đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Các hình thức lựa chọn nhà thầu hiện nay được quy định tại Điều 20 Luật Đấu thầu 2023 bao gồm:
- Đấu thầu rộng rãi;
- Đấu thầu hạn chế;
- Chỉ định thầu;
- Chào hàng cạnh tranh;
- Mua sắm trực tiếp;
- Tự thực hiện;
- Tham gia thực hiện của cộng đồng;
- Đàm phán giá;
- Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Nhân sự chủ chốt trong hồ sơ dự thầu là những cá nhân được nhà thầu đề xuất sẽ trực tiếp tham gia và đảm nhận những vị trí quan trọng trong quá trình thực hiện gói thầu. Nhân sự chủ chốt thường là những lao động có trình độ tay nghề cao hoặc nhân sự kinh nghiệm trong lĩnh vực đặc thù, đây là một trong những tiêu chí quan trọng để bên mời thầu đánh giá năng lực nhà thầu để đảm bảo thực hiện gói thầu.
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và pháp luật chuyên ngành liên quan đến gói thầu mà chủ đầu tư đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt trong E-HSMT cho phù hợp. E-HSMT không được yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật có liên quan không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông.
Trường hợp nhà thầu trúng thầu và ký kết hợp đồng, nhà thầu có nghĩa vụ huy động nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu như đã đề xuất ban đầu hoặc đề xuất thay đổi theo quy định. Trường hợp không huy động được nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu, nhà thầu bị phạt hợp đồng, bị đánh giá về uy tín khi tham gia các gói thầu khác.
Hiện nay chỉ có quy định về bổ sung nhân sự chủ chốt trong thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 và khoản 4 Điều 43 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Trường hợp 1 trong thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu:
- Trường hợp nhân sự chủ chốt (trừ nhân sự chủ chốt thực hiện phần công việc tư vấn (E) trong gói thầu EPC, EP, EC, chìa khóa trao tay), thiết bị chủ yếu mà nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu hoặc không chứng minh được khả năng huy động nhân sự (bao gồm cả trường hợp nhân sự đã huy động cho hợp đồng khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này) thì bên mời thầu cho phép nhà thầu bổ sung, thay thế.
- Nhà thầu chỉ được bổ sung, thay thế một lần đối với từng vị trí nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu trong một khoảng thời gian phù hợp. Trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu không trung thực thì không được thay thế nhân sự, thiết bị khác, hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Đấu thầu và bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 125 của Nghị định này."
Trường hợp 2 trong thời gian thương thảo hợp đồng:
- Nhà thầu không được thay đổi nhân sự chủ chốt đã đề xuất hoặc đã được thay thế một lần theo trường hợp 1 nêu trên.
- Trừ trường hợp do thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu kéo dài hơn so với dự kiến trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc vì lý do bất khả kháng mà nhân sự chủ chốt do nhà thầu đã đề xuất không thể tham gia thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp này, nhà thầu được thay đổi nhân sự khác nhưng phải bảo đảm nhân sự dự kiến thay thế có trình độ, kinh nghiệm và năng lực tương đương hoặc cao hơn so với nhân sự đã đề xuất và nhà thầu không được thay đổi giá dự thầu.
Theo đó hiện nay có hai trường hợp được thay đổi, bổ sung nhân sự chủ chốt được thực hiện theo quy định nêu trên.