25/05/2022 09:19

Các tội xâm phạm tính mạng con người - Bất cập và kiến nghị

Các tội xâm phạm tính mạng con người - Bất cập và kiến nghị

Một số tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng con người được quy định tại các điều từ Điều 123 đến Điều 133, 148 và 149 BLHS (14 tội), hiện còn một số vướng mắc, bất cập cần được hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung.

Các tội xâm phạm tính mạng con người là những hành vi được quy định tại các điều từ Điều 123 đến Điều 133, 148 và 149 BLHS (14 tội), do người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi do pháp luật quy định thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng của người khác.

Các tội phạm cụ thể xâm phạm tính mạng bao gồm: Tội giết người (Điều 123); Tội giết hoặc vứt con mới đẻ (Điều 124); Tội giết người trong tình trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125); Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt người phạm tội (Điều 126 BLHS); Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 127 BLHS);  Tội vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS); Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129 BLHS); Tội bức tử (Điều 130);  Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát (Điều 131 BLHS); Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 132 BLHS); Tội đe dọa giết người (Điều 133 BLHS); Tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 148 BLHS); Tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 149 BLHS). 

1. Tội giết người

Tội giết người là hành vi tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý. Theo quy định tại Điều 123 BLHS, thì:

“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: 

a) Giết 02 người trở lên; 

b) Giết người dưới 16 tuổi; 

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; 

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; 

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; 

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; 

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; 

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; 

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; 

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; 

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; 

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm”.

Nghiên cứu quy định tại Điều 123 BLHS về Tội giết người, chúng tôi thấy:

- Thứ nhất, quy định tại Điều 123 BLHS chưa mô tả hành vi giết người là gì. Mặc dù, khái niệm giết người là “hành vi tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật đã được thừa nhận trong khoa học luật hình sự, hoạt động xây dựng pháp luật và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, việc mô tả hành vi giết người trong Luật hình sự không những có ý nghĩa rất lớn về lý luận, pháp lý mà còn là cơ sở pháp lý cho việc định tội danh, quyết định hình phạt.

- Thứ hai, giết người đang thi hành công vụ thực chất là hành vi chống người thi hành công vụ bằng cách dùng vũ lực (dùng sức mạnh vật chất có vũ khí hoặc công cụ, phương tiện khác để chủ động tấn công vào một người đang thi hành công vụ). Hành động tấn công này có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người bị tấn công. Tại Điều 330 BLHS chưa quy định chế tài xử lý đối hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người bị tấn công.

Theo chúng tôi thì trong trường hợp này hành vi chống người thi hành công vụ đã chuyển thành hành vi giết người hoặc cố ý gây thương tích cho người đang thi hành công vụ. Do vậy, cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ về Tội giết người với tình tiết giết người đang thi hành công vụ (điểm d khoản 1 Điều 123 BLHS) hoặc Tội cố ý gây thương tích với tình tiết đối với người đang thi hành công vụ (điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS). Tuy nhiên, để cơ cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật trong trường hợp này cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc hướng dẫn của TANDTC bằng một Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán.

- Thứ ba, ngoài tình tiết “Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”, cần bổ sung tình tiết “giết người khám chữa bệnh cho mình hoặc người thân của mình”. Bởi lẽ, tích chất nguy hiểm của hành vi “giết người khám chữa bệnh cho mình hoặc người thân của mình” cũng tương đồng như hành vi giết người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.

Mặt khác, hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe cho đội ngũ y, bác sỹ ở các cơ sở khám chữa bệnh đang diễn ra một cách phổ biến và không chỉ do người được khám chữa bệnh thực hiện mà nhiều trường hợp là do người nhà của người bệnh thực hiện nhưng chưa có chế tài xử lý. Mặc dù, tại điểm d khoản 1 Điều 134 BLHS có quy định tình tiết “Đối với…người chữa bệnh cho mình” là tình tiết định tội và tình tiết nhảy khung hình phạt đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người bệnh là người đang ốm đau (không đủ sức khỏe để thực hiện tội phạm hoặc không xuất hiện ý định thực hiện tội phạm)  mà người nhà của người được khám chữa bệnh thực hiện nên cũng cần bổ sung tình tiết này để xử lý người nhà của người được khám chữa bệnh cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khám chữa bệnh.

- Thứ tư, “giết người để lấy bộ phận cơ thể nạn nhân” cần được phân biệt với các tình tiết “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” (điểm b khoản 1 Điều 150 và điểm b khoản 1 Điều 151 BLHS), “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” ở Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi (điểm b khoản 3 Điều 150 và điểm d khoản 3 Điều 151 BLHS”.

Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao “Bộ phận cơ thể là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định của con người. Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là trường hợp chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nạn nhân để chuyển giao nhằm lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân. Ví dụ: Nguyễn Văn A chuyển giao Nguyễn Thị C cho Nguyễn Văn B để lấy giác mạc của Nguyễn Thị C (thực tế Nguyễn Văn B chưa lấy giác mạc của Nguyễn Thị C)”. Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 và điểm d khoản 3 Điều 151 của BLHS là trường hợp người phạm tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi, sau đó đã lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân. Ví dụ: Nguyễn Văn A đã bán Nguyễn Thị C cho Nguyễn Văn B. B đã lấy giác mạc của C”.

Chúng tôi đồng tình với hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về tình tiết “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” ở Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi. “Giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” là trường hợp phải giết được nạn nhân thì mới lấy được bộ phận cơ thể họ. Hành vi giết người và lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là hành vi đồng thời và mặc dù “giết người để lấy bộ phận cơ thẩn của nạn nhân” là một trong những trường hợp “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” ở  Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” ở Tội mua bán người và Tội mua bán người dưới 16 tuổi đều phải tiến hành giết người đó. Do vậy, trường hợp lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân bằng cách phải giết người đó là hành vi phạm tội giết người quy định tại điểm h khoản 1 Điều 123 BLHS. Còn trường hợp mua bán người và đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân nhưng không bằng thủ đoạn giết người mà bằng thủ đoạn gây thương tích cho họ (nghĩa là nạn nhân không chết mà chỉ bị gây thương tích như mù mắt, cụt tay, mất một quả thận…) chỉ là hành vi phạm Tội mua bán người (điểm b khoản 3 Điều 150 ) hoặc Tội mua bán người dưới 16 tuổi (điểm d khoản 3 Điều 151 BLHS”.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, chúng tôi đề nghị:

- Một là, sửa đổi quy định tại Điều 123 BLHS về Tội giết người như sau:

“Điều… Tội giết người

1. Người nào cố ý tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Phạm tôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình, người khám chữa bệnh cho mình hoặc người thân của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn”.

- Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích hoặc Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết hướng dẫn  áp dụng Điều 330 BLHS, theo hướng: Dùng vũ lực chống người thi hành công vụ gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người bị tấn công bị coi là phạm Tội giết người hoặc Tội cố ý gây thương tích. Do vậy, cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ về Tội giết người với tình tiết giết người đang thi hành công vụ (điểm d khoản 1 Điều 123 BLHS) hoặc Tội cố ý gây thương tích với tình tiết đối với người đang thi hành công vụ (điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS).

- Ba là, sửa đổi Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 150 về Tội mua bán người và Điều 151 về Tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS theo hướng: Trường hợp lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân bằng cách phải giết người đó là hành vi phạm Tội giết người quy định tại điểm h khoản 1 Điều 123 BLHS; Trường hợp mua bán người và đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân nhưng không bằng thủ đoạn giết người mà bằng thủ đọa gây thương tích cho họ (nghĩa là nạn nhân không chết mà chỉ bị thương như mù mắt, cụt tay, mất một quả thận…) chỉ là hành vi phạm Tội mua bán người (điểm b khoản 3 Điều 150) hoặc Tội mua bán người dưới 16 tuổi (điểm d khoản 3 Điều 151 BLHS”.

2. Tội giết hoặc vứt con mới đẻ

Tội giết con mới để được quy định tại Điều 124 BLHS là hành vi của người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết hoặc vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi. Với quy định tại Điều luật này, thì người thực hành tội phạm chỉ có thể là người mẹ của nạn nhân. Do vậy, nếu người bố cùng với người mẹ thực hiện hành vi giết hoặc vứt con mới để thì chỉ bị coi là người đồng phạm với vai trò giúp sức người mẹ về tội phạm này. Còn trường hợp, người bố thực hiện hành vi giết con mới để sẽ bị xử phạt về Tội giết người với tình tiết là “Giết người dưới 16 tuổi (điểm b khoản 1 Điều 123 BLHS). Khi ấy mức hình phạt đối với người bố sẽ nặng hơn rất nhiều so với người mẹ hoặc cùng với người mẹ vứt con mới đẻ. Điều này không đúng với nguyên tắc xử lý quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 BLHS “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tình…”.

Mặt khác, cũng với quy định tại khoản 2 Điều 124 BLHS, thì người bố thực hiện hành vi (độc lập) vứt con mới đẻ sẽ không bị xử lý hình sự vì chưa có quy định trong BLHS.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, đề nghị sửa đổi quy định tại Điều 124 BLHS về Tội giết hoặc vứt con mới đẻ như sau:

“Điều … Tội giết hoặc vứt con mới đẻ

1. Người bố mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người bố mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

3. Tội bức tử và Tội hành hạ người khác

Tội bức tử được mô tả tại Điều 130 BLHS là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát. Còn Tội hành hạ nguười khác được mô tả tại Điều 140 BLHS là hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này. Như vậy, hành vi khách quan của hai tội phạm này là giống nhau và việc tách chúng thành hai tội phạm độc lập là không phù hợp. Do vậy, sẽ là hợp lý nếu gộp hai tội này vào làm một theo hướng quy định tình tiết định tội tại Điều 130 là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của tội phậm quy định tại Điều 140 BLHS. Đồng thời bổ sung tình tiết “làm người đó tự sát” là tình tiết định khung tăng nặng của Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình Điều 185 BLHS như sau:

-“Điều… Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên; 

d) Làm người đó tự sát”.

- “Điều… Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo;

c) Làm người đó tự sát”.

TS. NGUYỄN MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

2798

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]