26/06/2020 16:03

Các quyết định, hành vi tố tụng hình sự nào có thể bị khiếu nại?

Các quyết định, hành vi tố tụng hình sự nào có thể bị khiếu nại?

Quyết định hoặc hành vi tố tụng hình sự bị coi là trái pháp luật khi quyết định đó được ban hành hoặc hành vi đó được thực hiện không tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thì có thể bị khiếu nại.

Quyền khiếu nại là một quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại Điều 30 Hiến pháp 2013, có nội dung: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Theo đó, trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người có quyền khiếu nại được khoản 1 Điều 469, cụ thể hóa: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Điều 470 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về “Các quyết đinh, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại”, là quy định mới so với Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.

Điều 470. Các quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại

1. Quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là các quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được ban hành theo quy định của Bộ luật này.

2. Hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại là hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.

Theo nội hàm của Điều 470 nêu trên, các hoạt động tố tụng được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. Tuy nhiên, chỉ những quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán; người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra;

Hoặc hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại là hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của các chủ thể nói trên được thực hiện thì mới có thể là đối tượng của quyền khiếu nại trong tố tụng hình sự.

Các quyết định do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ban hành trong giai đoạn tố tụng được thể hiện bằng các văn bản tố tụng như các quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đưa vụ án ra xét xử…

Những hành vi do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện như hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, đối chất, nhận dạng, khám xét người, khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản…

Quyết định hoặc hành vi tố tụng hình sự nói trên bị coi là trái pháp luật khi quyết định đó được ban hành hoặc hành vi đó được thực hiện không tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chẳng hạn, quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can được ban hành khi không đủ căn cứ pháp lý do luật định hoặc được ban hành do người không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật… Hay hành vi khám người không có lệnh của người có thẩm quyền, việc tiến hành khám xét xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét, việc khám xét không có sự tham gia của người chứng kiến hoặc chính quyền địa phương hay cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, làm việc…

Những quyết định được ban hành hoặc hành vi được thực hiện bởi cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trái pháp luật làm xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân như quyết định khởi tố bị can trái pháp luật sẽ dẫn đến việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với bị can, điều tra, truy tố, xét xử đối với họ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền nhân thân và các quyền lợi chính đáng người bị khởi tố.

Hoặc việc khám xét xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét là hành vi bị cấm trong hoạt động này vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người bị khám xét.

Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại được quy định tại Điều 472; quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại quy định tại Điều 473 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Tùy thuộc vào các quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại trong các giai đoạn tố tụng (khởi tố, điều tra; truy tố; xét xử), thì thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại trong từng giai đoạn được quy định cụ thể tại các điều 474, 475, 476 và 477 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Điều 471. Thời hiệu khiếu nại

1. Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.

2. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngạy khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Nguồn: Theo Luật sư Việt Nam Online

10638

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn