14/09/2023 18:06

Các loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu từ nước ngoài

Các loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu từ nước ngoài

Theo quy định pháp luật hiện nay thì các doanh nghiệp được phép nhập khẩu phế liệu nhựa nào từ nước ngoài về để làm nguyên liệu sản xuất. Xuân Lan - Hà Nội.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Các loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu từ nước ngoài

Theo quy định tại tiểu mục 2.2 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 32:2018/BTNMT về loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu như sau:

2.2. Quy định về loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu:

2.2.1. Nhựa được loại ra từ các quá trình sản xuất mà chưa qua sử dụng.

2.2.2. Bao bì bằng nhựa (PET) đựng nước khoáng, nước tinh khiết đã qua sử dụng. Bao bì bằng nhựa (PET) đựng nước uống có ga đã qua sử dụng và đã được loại bỏ hoàn toàn chất lỏng bên trong.

2.2.3. Nhựa đã qua sử dụng ở một trong các dạng: khối, cục, thanh, dây, dải, băng, màng, nẹp, khay, tấm, lá, pallet, két nhựa; bao jumbo đã được cắt tạo thành dải, tấm hoặc băng. Đối với phế liệu nhựa nhập khẩu dạng màng phải thực hiện lấy mẫu, phân tích theo các Mục 3.2.2, 3.2.4 và 3.2.5.

2.2.4. Các loại nhựa khác không thuộc các Mục 2.2.1, 2.2.2 và 2.2.3 phải được băm, cắt thành mẩu vụn và làm sạch để loại bỏ các tạp chất (kích thước mỗi chiều của mẩu vụn không quá 10 cm, tỷ lệ các mẩu vụn có kích thước lớn hơn 10 cm không vượt quá 5% khối lượng của lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu).

2.2.5. Các loại nhựa quy định tại các Mục 2.2.1, 2.2.2, 2.2.3 và 2.2.4 phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Mục 2.4.

Đồng thời, loại phế liệu nhựa không được phép nhập khẩu theo tiểu mục 2.3 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 32:2018/BTNMT về loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu như sau:

2.3. Quy định về loại phế liệu nhựa không được phép nhập khẩu:

2.3.1. Các loại nhựa đã qua sử dụng mà không được băm, cắt thành mẩu vụn và làm sạch để loại bỏ các tạp chất như quy định tại Mục 2.2.4 (trừ các loại nhựa quy định tại các Mục 2.2.1, 2.2.2 và 2.2.3).

2.3.2. Vỏ nhựa của các thiết bị, đồ dùng điện tử đã qua sử dụng, như: tivi, máy tính, thiết bị văn phòng... có thành phần chất chống cháy (hợp chất PBDE (PolyBrominated Diphenyl Ether), hợp chất PBB (PolyBrominated Biphenyl)), các hợp chất gốc phthalate, chì, cadimi, thủy ngân và crom (VI).

2.3.3. Nhựa đã bị cháy dở.

Như vậy, Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 32:2018/BTNMT, các loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu từ nước ngoài bao gồm:

- Nhựa được loại ra từ quá trình sản xuất mà chưa qua sử dụng…;

- Bao bì nhựa PET đựng nước uống đã qua sử dụng…;

- Nhựa đã qua sử dụng ở dạng khối, cục, thanh...;

- Nhựa qua sử dụng khác phải được băm nhỏ và làm sạch....

Đồng thời, một số loại phế liệu nhựa bị cấm nhập khẩu như: nhựa chưa qua xử lý, vỏ nhựa điện tử, nhựa cháy dở...

2. Quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu

Việc kiểm tra, giám định đối với lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu được thực hiện thông qua kiểm tra bằng mắt thường hoặc kiểm tra, lấy mẫu phân tích. Cơ quan kiểm tra và tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động kiểm tra, giám định phế liệu nhựa nhập khẩu phải tuân thủ quy trình kiểm tra, giám định theo quy trình tại tiết 3.1.2 tiểu mục 3.1 Mục 3.2 QCVN 32:2018/BTNMT như sau:

Quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường:

- Hoạt động kiểm tra, giám định tại hiện trường được thực hiện bằng mắt thường đối với tất cả các công ten nơ hoặc khối hàng rời thuộc lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu; ước tính tỷ lệ tạp chất và kết hợp với thiết bị đo nhanh một số thông số đối với lô hàng phế liệu nhựa.

- Quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường được thực hiện như sau:

+ Kiểm tra tổng quát lô hàng: chủng loại, khối lượng phế liệu, chất lượng phế liệu nhập khẩu;

+ Chụp ảnh các vị trí kiểm tra;

+ Kiểm tra một số thông số bằng thiết bị đo nhanh tại hiện trường (đối với trường hợp phải thực hiện đo nhanh tại hiện trường);

+ Kiểm tra tỷ lệ tạp chất: xác định loại tạp chất đi kèm, ước lượng tỷ lệ phần trăm (%) khối lượng tạp chất đi kèm.

- Kết quả kiểm tra, giám định tại hiện trường được xử lý theo một trong các trường hợp sau đây:

+ Trường hợp lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu được kiểm tra, đánh giá phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu nhựa cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, làm căn cứ để Cơ quan kiểm tra ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu để làm thủ tục thông quan theo quy định;

+ Trường hợp lô hàng phế liệu nhập khẩu không phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu nhựa cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, để tiến hành xử lý theo quy định;

+ Trường hợp chưa xác định được lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này thì thực hiện theo Mục 3.1.2.

Như vậy, cơ quan kiểm tra và tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động kiểm tra, giám định phế liệu nhựa nhập khẩu phải tuân thủ quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
371

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn