Theo quy định Luật Đầu tư theo phương thức đối tác đầu tư công 2020 (Luật PPP) thì Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP theo quy định của Luật PPP, bao gồm các loại hợp đồng sau đây:
(1) Nhóm hợp đồng dự án áp dụng cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng hoặc tổ chức bao tiêu sản phẩm, dịch vụ công, gồm:
- Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Build - Operate - Transfer, gọi là hợp đồng BOT): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước;
- Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (Build - Transfer - Operate, là hợp đồng BTO): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; sau khi hoàn thành xây dựng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng cho Nhà nước và được quyền kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định;
- Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (Build - Own - Operate, là hợp đồng BOO): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, sở hữu, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng;
- Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (Operate - Manage, là hợp đồng O&M): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng.
(2) Nhóm hợp đồng dự án áp dụng cơ chế Nhà nước thanh toán trên cơ sở chất lượng sản phẩm, dịch vụ công, bao gồm:
- Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (Build - Transfer - Lease, là hợp đồng BTL): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và chuyển giao cho Nhà nước sau khi hoàn thành; được quyền cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trên cơ sở vận hành, khai thác công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định; cơ quan ký kết hợp đồng thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP;
- Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (Build - Lease - Transfer, là hợp đồng BLT): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trên cơ sở vận hành, khai thác công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định; cơ quan ký kết hợp đồng thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước;
- Hợp đồng hỗn hợp là hợp đồng kết hợp giữa các loại hợp đồng quy định tại (1) và (2).
Nội dung cơ bản của hợp đồng dự án PPP được quy định tại Điều 47 Luật PPP bao gồm:
- Mục tiêu, quy mô, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; thời gian xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; thời hạn hợp đồng;
- Phạm vi và yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ công được cung cấp;
- Tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn; phương án tài chính, trong đó có kế hoạch thu xếp tài chính; giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, trong đó có phương pháp và công thức để thiết lập hoặc điều chỉnh; vốn nhà nước trong dự án PPP và hình thức quản lý, sử dụng tương ứng (nếu có);
- Điều kiện sử dụng đất và tài nguyên khác; phương án tổ chức xây dựng công trình phụ trợ; yêu cầu về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường; trường hợp bất khả kháng và phương án xử lý trong trường hợp bất khả kháng;
- Trách nhiệm thực hiện các thủ tục xin cấp phép theo quy định của pháp luật có liên quan; thiết kế; tổ chức thi công; kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng trong giai đoạn xây dựng; nghiệm thu, quyết toán vốn đầu tư và xác nhận hoàn thành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án;
- Trách nhiệm trong việc vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng để sản phẩm, dịch vụ công được cung cấp liên tục, ổn định; điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;
- Bảo đảm thực hiện hợp đồng; quyền sở hữu, quyền quản lý, khai thác các loại tài sản liên quan đến dự án; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP; thỏa thuận về việc sử dụng dịch vụ bảo lãnh của bên thứ ba đối với nghĩa vụ của cơ quan ký kết hợp đồng;
- Phương án xử lý trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự để tiếp tục thực hiện hợp đồng; biện pháp xử lý, bồi thường, xử phạt trong trường hợp một trong các bên vi phạm hợp đồng;
- Trách nhiệm của các bên liên quan đến bảo mật thông tin; chế độ báo cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện hợp đồng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát;
- Các nguyên tắc, điều kiện sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên; quyền của bên cho vay; thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các bên khi thanh lý hợp đồng;
- Ưu đãi, bảo đảm đầu tư, phương án chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, bảo đảm cân đối ngoại tệ, các loại bảo hiểm (nếu có);
- Pháp luật điều chỉnh hợp đồng và cơ chế giải quyết tranh chấp.
Đồng thời, hợp đồng dự án PPP phải xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của cơ quan ký kết hợp đồng, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 28/2021/NĐ-CP, phương án tài chính trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP gồm các nội dung sau:
(1) Tổng mức đầu tư của dự án PPP.
(2) Nguồn vốn thực hiện dự án PPP:
- Vốn Nhà nước (nếu có) sử dụng cho các mục đích quy định tại Điều 70, Điều 72 Luật PPP:
+ Tổng số vốn đầu tư công hỗ trợ xây dựng, công trình hệ thống cơ sở hạ tầng; bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm;
+ Giá trị tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
+ Tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công; thời điểm hỗ trợ vốn bằng tài sản công.
- Nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư:
+ Tổng số vốn chủ sở hữu tham gia dự án PPP;
+ Tiến độ giải ngân nguồn vốn chủ sở hữu.
- Nguồn vốn do nhà đầu tư huy động:
+ Tổng số vốn huy động (theo từng loại vốn);
+ Thời gian vay, kỳ hạn phát hành trái phiếu doanh nghiệp (nếu có), tiến độ giải ngân các nguồn vốn do nhà đầu tư huy động;
+ Chi phí huy động vốn: lãi suất vốn vay, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp (nếu có) và chi phí cần thiết liên quan đến huy động vốn (nếu có).
- Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tham khảo lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của các ngân hàng thương mại; lãi suất vốn vay của dự án tương tự để làm cơ sở lập phương án tài chính trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi (nếu có).
(3) Các đề xuất ưu đãi, bảo đảm (nếu có).
(4) Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
(5) Dự kiến các khoản chi phí trong thời gian vận hành của dự án.
(6) Phương án thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư:
- Các mức giá, phí dịch vụ công dự kiến; trong đó xác định cụ thể mức giá, phí khởi điểm và nguyên tắc điều chỉnh giá, phí phù hợp với quy định của pháp luật về giá, phí và pháp luật có liên quan;
- Doanh thu dự kiến của từng nguồn thu hợp pháp của doanh nghiệp dự án PPP;
- Thời gian thực hiện, vận hành, thu hồi vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư;
- Đối với dự án PPP thực hiện theo hợp đồng BTL, hợp đồng BLT, phương án thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận của nhà đầu tư bổ sung quy định về nguồn vốn thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP gồm:
+ Tiến độ thanh toán vốn đầu tư công thực hiện dự án PPP:
+ Tiến độ thanh toán vốn chi thường xuyên cho doanh nghiệp dự án PPP trong giai đoạn vận hành;
+ Doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công của doanh nghiệp dự án PPP (nếu có).
(7) Các khoản nộp ngân sách nhà nước (nếu có) đối với dự án PPP thực hiện theo hình thức hợp đồng O&M.
(8) Các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi của phương án tài chính gồm:
- Giá trị hiện tại ròng (NPV);
- Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR);
- Tỷ suất lợi ích/chi phí (B/C);
- Mức độ ảnh hưởng của các chỉ tiêu tài chính (nêu trên) khi thay đổi tổng mức đầu tư, chi phí vận hành, doanh thu, thời gian hợp đồng dự án;
- Căn cứ vào tính chất đặc thù của dự án PPP, cơ quan có thẩm quyền có thể quy định bổ sung các chỉ tiêu tài chính khác như: tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, tỷ lệ khả năng trả nợ, tỷ suất chuyển đổi nhanh tài sản, tỷ lệ khả năng thanh toán, các biện pháp bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật hiện hành để lựa chọn dự án đầu tư có hiệu quả.
(9) Quy định tại Điều này là căn cứ để các cơ quan có liên quan lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và ký kết hợp đồng dự án PPP.