31/08/2024 16:11

Các khoản thu đầu năm đối với học sinh các cấp năm học 2024-2025

Các khoản thu đầu năm đối với học sinh các cấp năm học 2024-2025

Vào đầu năm học nhà trường sẽ tiến hành thu các khoản tiền từ học sinh hoặc cha mẹ học sinh, vậy thì các khoản thu đầu năm đối với học sinh các cấp năm học 2024-2025 là gì?

1. Các khoản thu đầu năm đối với học sinh các cấp năm học 2024-2025

Theo đó, nhà trường sẽ thu của học sinh các cấp năm học 2024-2025 các khoản cơ bản như sau:

(1) Học phí:

Căn cứ tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 81/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 97/2023/NĐ-CP) quy định như sau:

- Đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023 - 2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương.

- Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt.

Ví dụ mức học phí  năm học 2024-2025 tại TP.HCM:

Mức học phí từ năm học 2024 - 2025 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau (theo Nghị quyết 12/2024/NQ-HĐND ngày 16/7/2024 của Thành phố Hồ Chí Minh):

Cấp học

Mức học phí (Đồng/học sinh/tháng)

Nhóm 1

Nhóm 2

Nhà trẻ

200.000

120.000

Mẫu giáo

160.000

100.000

Tiểu học

60.000

30.000

Trung học cơ sở

60.000

30000

Trung học phổ thông

120.000

100.000

Trong đó:

+ Nhóm 1: học sinh học tại các trường ở thành phố Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân.

+ Nhóm 2: học sinh học tại các trường ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.

(2) Bảo hiểm y tế học sinh

Theo khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 ( sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) và Điều 4, 7, 8, 9 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định: Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên hiện được áp dụng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, người tham gia đóng 70%.

Cụ thể:

Số tiền phải đóng = 4,5% x 2.340.000 đồng x 12 tháng = 1.263.600 đồng/năm.

Trong đó, số tiền học sinh, sinh viên thực đóng là 884.520 đồng/năm do đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng.

(3) Dạy thêm, học thêm trong nhà trường

Tại Điều 7 Quy định kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về thu và quản lý tiền học thêm, dạy thêm trong nhà trường như sau: 

- Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường

- Chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;

- Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường.

(4) Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục (nếu có)

Căn cứ Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT, kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.

(5) Vận động và tiếp nhận tài trợ (không bắt buộc)

Theo Điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, nhà trường được phép vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:

- Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;

- Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên việc vận động tài trợ không nhằm để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

2. Cấp học và độ tuổi đi học của học sinh hiện nay

Tại Điều 28 Luật giáo dục 2019 quy định cấp học và độ tuổi của đi học của học sinh hiện nay như sau:

- Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm;

- Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm;

- Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm.

Trường hợp học sinh được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật giáo dục 2019 bao gồm:

- Học sinh học vượt lớp trong trường hợp phát triển sớm về trí tuệ;

- Học sinh học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông. Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

Như vậy, tuổi của học sinh vào lớp 1 là 06 tuổi, vào lớp 6 là 11 tuổi và vào lớp 10 là 15 tuổi (tuổi được tính theo năm).

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
4764

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]