04/05/2024 07:30

Các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử

Các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử

Cho tôi hỏi trong hoạt động thương mại điện tử thì hành vi nào bị cấm? Anh Minh - Kiên Giang

Chào anh, Ban biên tập xin trả lời như sau:

1. Các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử

Hoạt động thương mại điện tử đang là ngày một phát triển, hoạt động một cách năng động và tất nhiên nằm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước, và theo quy định tại Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bãi bỏ bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP) quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động điện tử bao gồm:

(1) Vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử:

- Lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

- Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;

- Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;

- Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký theo các quy định của Nghị định này;

- Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép;

- Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử.

(2) Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử:

- Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử;

- Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận;

- Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;

- Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.

(3) Vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử:

- Thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử;

- Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử;

- Can thiệp vào hệ điều hành và trình duyệt Internet tại các thiết bị điện tử truy cập vào website nhằm buộc khách hàng lưu lại website trái với ý muốn của mình.

(4) Các vi phạm khác:

- Đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.

2. Nội dung quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Đối với thương mại điện tử thì nội dung quản lý nhà nước tại Điều 5 Nghị định 52/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP bao gồm các nội dung như:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại.

- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thương mại điện tử, tiêu chuẩn, quy chuẩn ứng dụng thương mại điện tử và các quy định về quản lý dịch vụ thương mại điện tử đặc thù.

- Quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử.

- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thương mại điện tử.

- Tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong thương mại điện tử.

- Tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử.

- Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho thương mại điện tử.

- Thống kê về thương mại điện tử.

- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

Trân trọng!

Phạm Thị Thu Hà
216

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn