25/10/2024 14:24

Các đơn vị thuê văn phòng trong một tòa nhà cần có "phương án PCCC cơ sở" không?

Các đơn vị thuê văn phòng trong một tòa nhà cần có "phương án PCCC cơ sở" không?

Hiện nay theo quy định pháp luật các cơ sở kinh doanh đều yêu cầu phải có phương án phòng cháy chữa cháy cơ sở được phê duyệt. Vậy đối với các cơ sở kinh doanh là văn phòng thuê trong cùng một tòa nhà cần có "phương án PCCC cơ sở" riêng hay không?

Các đơn vị thuê văn phòng trong một tòa nhà cần có "phương án PCCC cơ sở" không?

Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì các cơ sở kinh doanh thuộc diện quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã và thuộc diện quản lý của Công an yêu cầu khi kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện về an toàn về phòng cháy và chữa cháy, cụ thể cơ sở phải có phương án phòng cháy chữa cháy là một nội dung bắt buộc.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra đối với các đơn vị thuê văn phòng tại một tòa nhà cần có "phương án phòng cháy chữa cháy cơ sở" hay không thì cần phải xác định thế nào là “cơ sở” theo quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 136/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP) và khoản 3 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013) có định nghĩa về "cơ sở" là nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác theo danh mục do Chính phủ quy định. Đồng thời, một cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở; trong phạm vi một cơ sở có thể có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 136/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP) cũng chỉ rõ trách nhiệm xây dựng phương án phòng cháy và phối hợp xây dựng phương án chữa cháy đối với cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động. Cụ thể, người đứng đầu cơ sở phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoạt động bên trong cơ sở xây dựng các tình huống cháy, sự cố, tai nạn đặc trưng đối với các cơ quan, tổ chức hoạt động bên trong cơ sở.

Như vậy, pháp luật đang xác định tòa nhà trong trường hợp này là một cơ sở và nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động, khi các đơn vị thuê văn phòng trong một tòa nhà không yêu cầu phải có phương án phòng cháy, chữa cháy riêng cho văn phòng đi thuê. Tuy nhiên, các đơn vị đi thuê hoạt động trong tòa nhà phải có trách nhiệm phối hợp với chủ tòa nhà xây dựng các tình huống cháy, sự cố, tai nạn đặc trưng đối với các cơ quan, tổ chức hoạt động bên trong cơ sở.

Nội dung của phương án phòng cháy chữa cháy cơ sở theo quy định hiện hành?

Căn cứ quy định tại Điều 19 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì phương án phòng cháy chữa cháy gồm 02 loại, cụ thể:

- Phương án chữa cháy của cơ sở;

- Phương án chữa cháy của cơ quan Công an.

Đồng thời, phương án chữa cháy phải bảo đảm các yêu cầu và nội dung cơ bản sau:

- Nêu được tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy;

- Đề ra tình huống cháy phức tạp nhất và một số tình huống cháy đặc trưng khác có thể xảy ra, khả năng phát triển của đám cháy theo các mức độ khác nhau;

- Đề ra kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và các công việc phục vụ chữa cháy phù hợp với từng giai đoạn của từng tình huống cháy;

- Phương án chữa cháy phải được bổ sung, chỉnh lý kịp thời và được cấp có thẩm quyền phê duyệt lại khi có những thay đổi lớn về quy mô, tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy.

Ngoài ra, sau thực hiện lập phương án phòng cháy chữa cháy, người đứng đầu cơ sở phải nộp phương án đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phê duyệt. Sau khi phương án được phê duyệt thì người đứng đầu sẽ có trách nhiệm tổ chức thực tập phương án và gửi kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án đến cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về báo cáo.

Theo đó, quy định về phương án phòng cháy chữa cháy chỉ nêu ra khái quát những nội dung mà người đứng đầu cơ sở phải thực hiện, việc xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy chi tiết như thế nào thì còn phải phụ thuộc vào từng đặc điểm, tính chất của cơ sở.

Lê Anh Tú
516

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]