Theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 24/2016/NĐ-CP, các rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước, bao gồm:
- Rủi ro thanh toán: Là loại rủi ro phát sinh khi nguồn thu ngân quỹ nhà nước không đáp ứng đủ các nhiệm vụ chi ngân quỹ nhà nước; hoặc do các Khoản sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo quy định tại Điều 7 Nghị định 24/2016/NĐ-CP chưa đến kỳ hạn thu hồi; hoặc các Khoản vay, phát hành tín phiếu không đủ để đảm bảo các nhiệm vụ chi của ngân quỹ nhà nước.
- Rủi ro trong hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước: Là loại rủi ro phát sinh khi các Khoản sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo quy định tại Điều 7 Nghị định 24/2016/NĐ-CP không có khả năng thu hồi kịp thời và đầy đủ (gốc, lãi) khi đến hạn; hoặc do có sự biến động bất lợi về lãi suất trên thị trường tiền tệ hoặc sự biến động bất lợi về tỷ giá hối đoái.
- Các loại rủi ro khác: Là loại rủi ro phát sinh do đánh giá chưa chính xác mức độ ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi hoặc ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt; hoặc do hệ thống công nghệ thông tin bị trục trặc; hoặc do các sự kiện bất khả kháng khác.
Các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước từ ngày 10/3/2025 (Hình Internet)
Biện pháp phòng ngừa rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước theo Nghị định 14/2025/NĐ-CP
Kho bạc Nhà nước đánh giá rủi ro nhằm nhận dạng rủi ro và đánh giá khả năng ảnh hưởng của các rủi ro đến hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước. Việc đánh giá rủi ro được thực hiện thường xuyên theo tháng, quý, năm để có biện pháp quản lý ngân quỹ nhà nước và phòng ngừa rủi ro phù hợp; đồng thời, định kỳ báo cáo Bộ Tài chính để có những chỉ đạo kịp thời, đảm bảo hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước luôn được an toàn.
Theo Khoản 3 Điều 9 Nghị định 24/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 14/2025/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa rủi ro như sau:
- Quy định hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách trung ương tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước.
- Quy định tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách địa phương cấp tỉnh tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước.
- Quy định hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
- Quy định hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại, đảm bảo không quá 50% khả năng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi.
- Xác định định mức ngân quỹ nhà nước tối thiểu mà Kho bạc Nhà nước phải duy trì số dư trên tài khoản thanh toán để đảm bảo an toàn khả năng thanh toán, chi trả cho ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch.
- Định kỳ hằng tháng, Kho bạc Nhà nước tổ chức đánh giá tình hình dự báo ngân quỹ nhà nước, trường hợp chênh lệch giữa số liệu dự báo và thực tế thu, chi ngân quỹ nhà nước vượt biên độ đã được Bộ Tài chính quyết định tại phương án điều hành ngân quỹ nhà nước quý, Kho bạc Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính điều chỉnh hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị định 24/2016/NĐ-CP.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước được quy định tại Điều 16 Nghị định 24/2016/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 13 Điều 1 Nghị định 14/2025/NĐ-CP bao gồm:
- Ban hành các quy trình nghiệp vụ và triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để thực hiện quản lý ngân quỹ nhà nước.
- Trực tiếp quản lý tập trung, thống nhất ngân quỹ nhà nước trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch.
- Quyết định việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi và biện pháp xử lý ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt theo quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Nghị định này.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra nội bộ; vận hành hệ thống công nghệ thông tin và các hoạt động khác có liên quan để việc quản lý ngân quỹ nhà nước được an toàn, có hiệu quả.
- Kho bạc Nhà nước được bán hoặc giữ trái phiếu Chính phủ (là tài sản bảo đảm của giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ) đến khi được thanh toán gốc, lãi để thu hồi ngân quỹ nhà nước trong trường hợp đối tác giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền cho Kho bạc Nhà nước theo thỏa thuận.