Tại Điều 3 Nghị định 104/2016/NĐ-CP (được bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 13/2024/NĐ-CP) giải thích một số thuật ngữ về tiêm chủng như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Tiêm chủng là việc đưa vắc xin vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch để dự phòng bệnh tật.
...
7. Chương trình tiêm chủng mở rộng là chương trình do Nhà nước tổ chức để tiêm chủng miễn phí đối với các vắc xin bắt buộc sử dụng để phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ có thai.
Như vậy, chương trình tiêm chủng mở rộng được hiểu là chương trình do Nhà nước tổ chức để tiêm chủng miễn phí đối với các vắc xin bắt buộc sử dụng để phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ có thai và việc quản lý các đối tượng tiêm chủng này theo quy định tại Điều 4 Nghị định 104/2016/NĐ-CP thực hiện như sau:
- Nội dung quản lý đối tượng tiêm chủng gồm:
+ Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh và địa chỉ thường trú của đối tượng;
+ Tên cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đối với trường hợp người được tiêm chủng là trẻ em;
+ Tiền sử tiêm chủng, tiền sử bệnh tật liên quan đến chỉ định tiêm chủng.
Trường hợp người được tiêm chủng đã có mã số định danh công dân thì chỉ cần thu thập tiền sử tiêm chủng, tiền sử bệnh tật liên quan đến chỉ định tiêm chủng.
- Cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm cấp, ghi sổ theo dõi tiêm chủng cá nhân hoặc sổ tiêm chủng điện tử và thống kê danh sách các đối tượng được tiêm chủng tại cơ sở.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm chỉ đạo Trạm Y tế điều tra, lập danh sách các đối tượng thuộc diện tiêm chủng bắt buộc theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và thông báo cho đối tượng để tham gia tiêm chủng đúng lịch, đủ liều.
- Việc báo cáo, quản lý đối tượng, ghi chép bằng văn bản và Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia (thời gian triển khai báo cáo bằng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Y tế).
Khi thực hiện tiêm chủng phải thực hiện đầy đủ các bước trước, trong và sau khi tiêm theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 104/2016/NĐ-CP và Điều 10, 11, 12 Thông tư 34/2018/TT-BYT.
+ Trước khi tiêm: Khám sàng lọc, tư vấn cho đối tượng tiêm chủng. Trường hợp đối tượng tiêm chủng là trẻ em thì việc tư vấn được thực hiện với cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ;
+ Trong khi tiêm: Thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn;
+ Sau khi tiêm: Theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.
- Người đứng đầu cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm thực hiện các công việc sau khi đang triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm:
+ Dừng ngay buổi tiêm chủng;
+ Xử trí cấp cứu, chẩn đoán nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng; trường hợp vượt quá khả năng thì phải chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất;
+ Thống kê đầy đủ thông tin liên quan đến trường hợp tai biến nặng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế và báo cáo cho Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra tai biến.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm phải tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận người bị tai biến. Trường hợp xảy ra tai biến nặng sau tiêm ngoài Chương trình tiêm chủng mở rộng cơ sở nơi xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng có trách nhiệm báo cáo Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở theo quy định nêu trên và thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự nếu có lỗi gây ra tai biến nặng sau tiêm chủng.
Tại Điều 1 Thông tư 10/2024/TT-BYT quy định Danh mục các bệnh truyền nhiễm và đối tượng bắt buộc phải sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng gồm:
- Bệnh viêm gan vi rút B:
+ Vắc xin viêm gan B đơn giá (trẻ sơ sinh)
+ Vắc xin phối hợp có chứa thành phần viêm gan B (trẻ em)
- Bệnh lao: Vắc xin lao (trẻ em)
- Bệnh bạch hầu:
+ Vắc xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu (trẻ em)
+ Vắc xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu giảm liều (trẻ em)
- Bệnh ho gà: Vắc xin phối hợp có chứa thành phần ho gà (trẻ em)
- Bệnh uốn ván:
+ Vắc xin phối hợp có chứa thành phần uốn ván (trẻ em)
+ Vắc xin có chứa thành phần uốn ván cho phụ nữ có thai (phụ nữ có thai)
- Bệnh bại liệt:
+ Vắc xin bại liệt uống (trẻ em)
+ Vắc xin bại liệt tiêm (trẻ em)
- Bệnh do Haemophilus influenzae týp bL: Vắc xin Haemophilus influenzae týp b đơn giá hoặc vắc xin phối hợp có chứa thành phần Haemophilus influenzae týp b (trẻ em)
- Bệnh sởi:
+ Vắc xin có chứa thành phần sởi (trẻ em)
+ Vắc xin phối hợp có chứa thành phần sởi (trẻ em)
- Bệnh viêm não Nhật Bản B: Vắc xin viêm não Nhật Bản B (trẻ em)
- Bệnh rubella: Vắc xin phối hợp có chứa thành phần rubella (trẻ em)
- Bệnh tiêu chảy do vi rút Rota: Vắc xin Rota (trẻ em)
Xem thêm nội dung chi tiết về lịch tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/danh-muc-benh-truyen-nhiem.docx