24/01/2024 17:11

Cá nhân, tổ chức có được phép hoạt động, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê?

Cá nhân, tổ chức có được phép hoạt động, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê?

Tôi thấy nhiều cá nhân hung hăng đến nhà người khác đòi chửi bới, đòi nợ thuê. Vậy, hiện nay pháp luật có cho phép cá nhân kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê không? Thu Thảo - Hà Tĩnh.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Cá nhân, tổ chức có được phép hoạt động, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê?

Theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020 về những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như sau:

- Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020;

- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020;

- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020;

- Kinh doanh mại dâm;

- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

- Kinh doanh pháo nổ;

- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Như vậy, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc một trong danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Do đó, cá nhân, tổ chức không được phép hoạt động, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

2. Tại sao kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm?

Tại Phụ lục 4 danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện Luật Đầu tư 2014 (Hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021) từng quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành, thì kinh doanh dịch vụ đòi nợ được xếp vào ngành, nghề kinh doanh bị cấm. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Có hai nguyên nhân dẫn đến việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ bị cấm như sau:

- Nguyên nhân thứ nhất là do tình trạng biến tướng của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Nhiều trường hợp các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ lợi dụng việc đăng ký kinh doanh để thực hiện các hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể, các đối tượng này thường sử dụng các biện pháp trái pháp luật để đòi nợ, như đe dọa, uy hiếp, gây sức ép, thậm chí sử dụng vũ lực, gây thương tích cho con nợ hoặc người thân của con nợ. Điều này đã gây hoang mang, lo sợ cho người dân, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

- Nguyên nhân thứ hai là do khó khăn trong việc quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Hoạt động đòi nợ thường diễn ra bí mật, khó kiểm soát, do đó việc quản lý hoạt động này gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng thường xuyên gặp khó khăn trong việc xác định các đối tượng kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cũng như việc chứng minh các hành vi trái pháp luật của các đối tượng này.

Như vậy, việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

3. Mức xử phạt kinh doanh dịch vụ đòi nợ trái luật

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về mức xử phạt hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như sau:

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng: Đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ trái luật.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ trái luật.

Như vậy, hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ trái luật sẽ bị phạt tiền từ 60-80 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Nguyễn Ngọc Trầm
2284

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]