23/01/2019 11:01

Bồi thường thiệt hại khi không có lỗi

Bồi thường thiệt hại khi không có lỗi

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại được hình thành giữa các chủ thể bất kỳ mà trong đó, người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.Trên thực tế, loại trách nhiệm này có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không thể lường trước được hậu quả.

Trách nhiệm Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện:

- Có thiệt hại xảy ra.Trách nhiệm bồi thường thiệt hại  chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần;

- Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật;

- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra

Nếu như BLDS 2005 nêu ra 3 nguyên tắc cơ bản về bồi thường thiệt hại  ngoài hợp đồng, được quy định tại Điều 605 thì BLDS 2015 đã bổ sung thêm 2 nguyên tắc sau:

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại điều 585 BLDS 2015:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời;

- Người chịu trách nhiệm BTTH có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Cụ thể tại bản án số Bản án 142/2017/DS-ST về tranh chấp bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm của Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến  Tre xét xử sơ thẩm:

Vào khoảng 01 giờ 15 phút ngày 16/7/2016 tại lộ xã P thuộc ấp 7, xã P, huyện G, tỉnh B, Nguyễn L, sinh năm 1997 (con của bà Trần C và ông Nguyễn V) điều khiển xe mô tô thì va chạm vào phía sau xe ô tô tải biển số 71N-1569 bị hỏng động cơ nằm đỗ bên lề phải do Nguyễn T làm tài xế. Hậu quả vụ va chạm làm anh L tử vong tại bệnh viện Nguyễn C. Việc T đỗ xe trên đoạn đường xã không có đèn đường, không có biển báo để các phương tiện giao thông khác biết dẫn đến anh L tử vong là có một phần lỗi của ông T. Do đó, bà C khởi kiện yêu cầu ông T phải bồi thường”

Theo như bản tự khai của ông T, khi xe tải bị tắt máy, ông có nhờ người tên B thắp bóng đèn chữ U để thắp sáng nhưng lại không có chứng cứ chứng minh.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm 1, Điều 601 Bộ Luật Dân sự năm 2015 “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”. Vì vậy, xe ô tô tải của ông T được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Cũng tại khoản 3 điều này quy định “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi” trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật. Vì thế, Ông T Phải có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này.

Qua bản án và những quy định của pháp luật nêu trên, các bên cần phải có cái nhìn chính xác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về hợp đồng ngay cả khi có lỗi và không có lỗi. Từ đó có thể thỏa thuận được mức bồi thường hợp lý trong một số trường hợp mà không cần đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng .

Thanh Ngân
9859

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn