10/01/2024 09:06

Body shaming người khác trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật hay không?

Body shaming người khác trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật hay không?

Cho tôi hỏi rằng đối với hành vi Body shaming người khác trên mạng xã hội thì có được xem như là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Chị Thanh Tuệ (Hà Tĩnh).

Hiện nay, thuật ngữ body shaming đã không còn xa lạ, đặc biệt là đối với giới trẻ. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội ngày nay càng khiến cho việc body shaming người khác trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Đối với câu hỏi của chị, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:

Body shaming người khác trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật hay không?

Khi thực hiện Body shaming người khác trực tiếp, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể 

 ...

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;

...

Tuy nhiên, khác với hành vi trực tiếp, đối với việc Body shaming người khác trên mạng xã hội thì người bị xúc phạm rất có thể sẽ là nạn nhân của bạo lực mạng, và bị ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm một cách nghiêm trọng. Do đó, chiếu theo điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trang thông tin điện tử với nội dung như sau:

...

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

...

Như vậy, đối với hành vi Body shaming người khác trên mạng xã hội (Facebook, TiTok, Zalo,...), người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu việc Body shaming trên mạng xã hội gây xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Trường hợp chế nhạo, chê bai ngoại hình người khác gây xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của cá nhân mà mức độ vi phạm đủ để cấu thành tội làm nhục người khác, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:

Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

...

Theo đó, người phạm tội làm nhục người khác trên mạng xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tù từ 03 tháng đến 2 năm tù giam, do thuộc trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Giải pháp khắc phục thực trạng Body shaming trên mạng xã hội hiện nay

Mặc dù có những quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi Body shaming người khác trên mạng xã hội, song người vi phạm rất khó bị xử lý. Nguyên do là phần lớn người dùng mạng xã hội thực hiện Body shaming thông qua các tài khoản "Clone" nên rất khó để xác định danh tính để thực hiện việc xử phạt.

Giải pháp tố nhất để ngăn chặn việc này đó là hạn chế việc sử dụng từ ngữ có lời lẽ thô tục, mang hàm nghĩa xúc phạm người khác và thực hiện khóa tài khoản vi phạm của bên phía bộ phận kiểm duyệt nội dung mạng.

Hiện nay, pháp luật đã ban hành những quy định cụ thể đối với các nền tảng mạng xã hội, ví dụ như Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng với Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP nhằm kịp thời cập nhập xu hướng phát triển nhanh chóng của mạng xã hội và bảo vệ người dùng mạng xã hội khỏi những tác nhân gây hại trong môi trường Internet.

Ngoài ra, người dùng mạng xã hội cũng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với những hành vi Body shaming trên mạng. Có thể thực hiện tố cáo, ngăn chặn khi thấy những lời lẽ xúc phạm đến người khác, tạo một môi trường Internet lành mạnh, văn minh hơn.

Đỗ Minh Hiếu
1489

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]