Trong bối cảnh ngành Y tế còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự gia tăng số người đến khám, chữa bệnh sau đại dịch, tập trung ở các bệnh viện trung ương, tuyến cuối dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và dễ nảy sinh tiêu cực; gần đây xảy ra một số vụ việc mang tính chất riêng lẻ nhưng gây dư luận không tốt ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành Y tế.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh và phục vụ tốt hơn công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tại Chỉ thị 06/CT-BYT 2024 Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị các đồng chí Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Trường Đại học, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo:
- Tiếp tục quán triệt Quy tắc ứng xử, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, quy định chuyên môn của nhân viên y tế; tăng cường tổ chức tập huấn các kỹ năng giao tiếp, ứng xử và chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện phương châm “Lấy người bệnh là trung tâm”, với tinh thần lắng nghe, cầu thị trong chăm sóc, điều trị người bệnh.
- Thực hiện rà soát và chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Định kỳ triển khai kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy trình về quản lý chất lượng bệnh viện; việc thực hiện các quy trình, quy định nội bộ của bệnh viện; đồng thời nhắc nhở và xử lý đối với các cá nhân, đơn vị không tuân thủ.
- Xác định công tác quản lý chất lượng bệnh viện là nền tảng: Chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng dẫn tại Thông tư 19/2013/TT-BYT; bám sát các tiêu chí tại Quyết định 6858/QĐ-BYT 2016; triển khai thực hiện Quyết định 56/QĐ-BYT 2024.
- Thực hiện nghiêm việc công khai số điện thoại đường dây nóng bệnh viện, số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và những thông tin cần thiết phải công khai theo quy định; niêm yết tại nơi người bệnh, người nhà người bệnh dễ thấy, dễ tiếp cận để kịp thời nắm bắt các ý kiến phản hồi, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người bệnh.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai thực hiện các quy trình khám, chữa bệnh; thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, rà soát giảm thiểu các thủ tục hành chính gây phiền hà đối với người bệnh.
…
Như vậy, Bộ Y tế chỉ thị các cơ sở y tế đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Đồng thời, chỉ thị nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quản lý bệnh viện, và cải thiện sự hài lòng của người bệnh.
Theo đó, tại tiểu mục 2.3 Mục II ban hành kèm theo Quyết định 56/QĐ-BYT 2024 hướng dẫn phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ khám chữa bệnh giai đoạn 2024-2030 như sau:
(1) Phỏng vấn người bệnh nội trú
- Chọn khoa để khảo sát: theo 1 trong 2 cách sau cho mỗi đợt khảo sát:
Cách 1: chọn mẫu ở toàn bộ khoa lâm sàng có giường bệnh (trừ khoa cấp cứu) trong 1 lần đo lường.
Cách 2: chọn mẫu tại một số khoa lâm sàng trong một lần khảo sát, thay đổi sang các khoa lâm sàng khác ở lần khảo sát tiếp theo, bảo đảm mỗi khoa phải được khảo sát ít nhất 01 lần trong năm.
Cỡ mẫu của mỗi khoa được chọn tương thích với tỷ lệ số lượt điều trị nội trú của khoa trong tổng số lượt điều trị nội trú của cơ sở khám chữa bệnh tại thời điểm khảo sát.
- Chọn đối tượng để phỏng vấn:
Chọn ngẫu nhiên người bệnh/người nhà người bệnh trong danh sách người bệnh sắp ra viện tại mỗi khoa để khảo sát theo một trong hai cách sau:
+ Chọn ngẫu nhiên hệ thống: đối với những khoa có danh sách người bệnh sắp ra viện nhiều hơn số người bệnh cần phỏng vấn.
Xác định hệ số k: hệ số k được xác định bằng tổng số người bệnh sắp ra viện chia cho số người bệnh cần phỏng vấn. Sử dụng hệ số k làm bước nhảy để chọn người bệnh/người nhà người bệnh trong danh sách người bệnh sắp ra viện để phỏng vấn. Từ danh sách người bệnh sắp ra viện của đơn vị, người đầu tiên được lựa chọn phỏng vấn (i) được chọn ngẫu nhiên đơn, sau đó sử dụng bước nhảy k để chọn người tiếp theo với công thức: i+1k, i+2k,… i+(n-1)k.
+ Chọn ngẫu nhiên đơn: chọn ngẫu nhiên người bệnh/người nhà người bệnh bất kỳ trong danh sách người bệnh sắp ra viện của khoa đến đủ số mẫu.
(2) Phỏng vấn người bệnh ngoại trú: áp dụng 1 trong 2 cách sau đây:
- Chọn mẫu thuận tiện: chọn người bệnh đang chờ nhận thuốc, thanh toán hoặc chờ nhận thẻ bảo hiểm y tế để phỏng vấn cho đến khi đủ cỡ mẫu.
- Chọn ngẫu nhiên hệ thống
Xác định hệ số k như trên. Từ danh sách người bệnh ngoại trú của đơn vị, chọn ngẫu nhiên người đầu tiên để phỏng vấn (i); sau đó sử dụng bước nhảy k để chọn người tiếp theo với công thức: i+1k, i+2k,… i+(n-1)k cho đến đủ số lượng.