18/11/2024 15:53

Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện áp dụng từ ngày 01/01/2025

Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện áp dụng từ ngày 01/01/2025

Tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện gồm những gì theo quy định mới? Bệnh viện, phòng khám có những hình thức tổ chức nào?

Ngày 16/11/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 35/2024/TT-BYT quy định tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện.

Thông tư 35/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện áp dụng từ ngày 01/01/2025

Tại Điều 1 Thông tư 35/2024/TT-BYT quy định, tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện gồm:

- Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất;

- Tiêu chuẩn về quy mô và cơ cấu tổ chức;

- Tiêu chuẩn về nhân sự;

- Tiêu chuẩn về thiết bị y tế;

- Tiêu chuẩn về chuyên môn.

Theo đó, tiêu chuẩn chất lượng cơ bản này chỉ áp dụng đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện.

Trong đó, việc đánh giá chất lượng cơ bản đối với bệnh viện thực hiện như sau:

- Thực hiện đánh giá tiêu chuẩn chất lượng cơ bản một lần một năm;

- Thời gian thực hiện đánh giá trong Quý I của năm liền kề tiếp theo;

- Xếp loại đánh giá.

+ Đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản: toàn bộ các tiêu chuẩn đều “Có” trong cột “Kết quả đánh giá”;

+ Không đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản: có bất kì một tiêu chuẩn “Không” trong cột “Kết quả đánh giá”.

Dưới đây là Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện áp dụng từ ngày 01/01/2025 ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT:

TT

TIÊU CHUẨN

I.

Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất

1.

Bệnh viện phải có địa điểm cố định.*

2.

Bệnh viện phải có lối đi cho xe cứu thương ra vào khu vực cấp cứu.*

3.

Các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn:

3.1.

Được bố trí phù hợp với chức năng của từng bộ phận *

3.2.

Bảo đảm kết nối về hạ tầng giao thông giữa các bộ phận chuyên môn thuận tiện cho việc khám bệnh, chữa bệnh, an toàn cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.*

4.

Có biển hiệu, sơ đồ và biển chỉ dẫn đến các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn, hành chính.*

5.

Có phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài bệnh viện.*

6.

Tiêu chuẩn về môi trường:

6.1.

Có biện pháp xử lý chất thải sinh hoạt.

6.2.

Có biện pháp xử lý chất thải y tế.

7.

Tiêu chuẩn về an toàn bức xạ:

7.1.

Có Giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

7.2.

Có văn bản phân công người chịu trách nhiệm về công tác an toàn bức xạ.

7.3.

Nhân viên thực hiện công việc bức xạ có Chứng chỉ nhân viên bức xạ.

7.4.

Có trang bị liều kế cho nhân viên bức xạ.

8.

Có điện, nước phục vụ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

II.

Tiêu chuẩn về quy mô và cơ cấu tổ chức

1.

Bệnh viện phải có cơ cấu tổ chức gồm các khoa: khám bệnh, lâm sàng, cận lâm sàng, khoa dược và các bộ phận phụ trợ.

2.

Khoa khám bệnh phải có nơi tiếp đón, phòng cấp cứu, phòng lưu, phòng khám, phòng thực hiện kỹ thuật, thủ thuật (nếu thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật).

3.

Khoa lâm sàng:

a) Đối với bệnh viện đa khoa: có tối thiểu hai trong bốn khoa nội, ngoại, sản, nhi.

b) Đối với bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện răng hàm mặt: có tối thiểu một khoa lâm sàng phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn.

4.

Khoa cận lâm sàng: có tối thiểu một phòng xét nghiệm và một phòng chẩn đoán hình ảnh.

Riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt nếu không có bộ phận chẩn đoán hình ảnh thì phải có hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động có bộ phận chẩn đoán hình ảnh.

5.

Khoa dược có các bộ phận: nghiệp vụ dược, kho và cấp phát, thống kê dược, thông tin thuốc và dược lâm sàng.

6.

Khoa dinh dưỡng; bộ phận dinh dưỡng lâm sàng; người phụ trách công tác dinh dưỡng; người làm công tác dinh dưỡng.

7.

Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn; người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

8.

Các bộ phận chuyên môn khác trong bệnh viện phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn.

9.

Các phòng, bộ phận để thực hiện các chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, quản lý chất lượng, điều dưỡng, tài chính kế toán, công nghệ thông tin, thiết bị y tế và các chức năng cần thiết khác.

III.

Tiêu chuẩn về nhân sự

1.

Người hành nghề được phân công công việc phù hợp với phạm vi hành nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.

Người hành nghề được cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

IV.

Tiêu chuẩn về thiết bị y tế

1.

Thiết bị y tế để thực hiện kỹ thuật thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có hồ sơ quản lý đối với các thiết bị đó.

2.

Quy chế quản lý, sử dụng, kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, thay thế vật tư linh kiện, bảo quản thiết bị y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3.

Quy trình về sử dụng, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng đảm bảo chất lượng thiết bị y tế.

4.

Thiết bị y tế thuộc danh mục phải kiểm định, hiệu chuẩn được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định.

5.

Bộ phận và nhân sự thực hiện nhiệm vụ quản lý việc sử dụng, kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị y tế.

V.

Tiêu chuẩn về chuyên môn

1.

Điều trị nội trú, tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ của tất cả các ngày.

2.

Quy trình khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú.

3.

Phổ biến, áp dụng và xây dựng quy trình chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh:

3.1.

Phổ biến các quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế hoặc bệnh viện ban hành.

3.2.

Phổ biến các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị do Bộ Y tế hoặc bệnh viện ban hành.

3.3.

Áp dụng các quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế hoặc bệnh viện ban hành.

3.4.

Áp dụng các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị do Bộ Y tế hoặc bệnh viện ban hành.

3.5.

Tập huấn hoặc phổ biến hoặc có chỉ đạo về việc tuân thủ các quy định trong kê đơn thuốc.

4.

Quản lý chất lượng:

4.1.

Thành lập hệ thống quản lý chất lượng.

4.2.

Quy chế hoạt động của hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện.

4.3.

Kế hoạch/đề án cải tiến chất lượng chung của toàn bệnh viện cho năm hiện tại hoặc cho giai đoạn từ một đến ba năm tiếp theo.

4.4.

Chỉ số chất lượng bệnh viện và kết quả đo lường.

4.5.

Quản lý chất lượng xét nghiệm gồm: kế hoạch quản lý chất lượng xét nghiệm, xây dựng quy trình hướng dẫn, tập huấn cho nhân viên liên quan, đánh giá thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng xét nghiệm.

4.6.

Báo cáo sự cố y khoa.

5.

Kiểm soát nhiễm khuẩn bao gồm: tổ chức, phân công nhiệm vụ; xây dựng quy trình.

Ghi chú: Đối với các tiêu chuẩn đánh dấu *, chỉ cung cấp tài liệu chứng minh lại khi có sự thay đổi giữa 02 lần đánh giá.

Bệnh viện, phòng khám có những hình thức tổ chức nào?

Theo khoản 1, 2 Điều 39 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định bệnh viện, phòng khám các hình thức tổ chức như sau:

* Bệnh viện bao gồm các hình thức sau đây:

- Bệnh viện đa khoa;

- Bệnh viện y học cổ truyền;

- Bệnh viện răng hàm mặt;

- Bệnh viện chuyên khoa.

* Phòng khám bao gồm các hình thức sau đây:

- Phòng khám đa khoa;

- Phòng khám chuyên khoa;

- Phòng khám liên chuyên khoa;

- Phòng khám bác sỹ y khoa;

- Phòng khám y học cổ truyền;

- Phòng khám răng hàm mặt;

- Phòng khám dinh dưỡng;

- Phòng khám y sỹ đa khoa.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1423

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]