Chào bạn, Ban biên tập xin trả lời như sau:
Cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ (khoản 1 Điều 3 Luật Cảnh vệ 2017).
Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật Cảnh vệ 2017 (khoản 4 Điều 3 Luật Cảnh vệ 2017).
Hiện nay, đối tượng cảnh vệ được quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ 2017, bao gồm:
- Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam;
- Khu vực trọng yếu;
- Sự kiện đặc biệt quan trọng.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang xin ý kiến.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/du-thao-sua-doi-luat-canh-ve.doc
Một trong những nội dung mới đáng chú ý của dự thảo là Bộ Công an đề xuất bổ sung thêm 03 đối tượng được cảnh vệ là các cá nhân giữ các chức vụ: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Đề xuất chế độ cảnh vệ đối với cá nhân giữ các chức danh này như sau:
- Đối với Thường trực Ban Bí thư: được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi ở, nơi làm việc và khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.
- Đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận, khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.
Hiện nay, tình hình an ninh, chính trị trong nước và thế giới diễn biến đầy phức tạp. Cá nhân giữ chức danh Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và kiểm sát hoạt động tố tụng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm.Đặc thù công việc tác động tới công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, liên quan trực tiếp đến quyền sống, tự do con người nên mang tính rủi ro cao, cần được bảo vệ.
Các chức danh được cảnh vệ theo pháp luật hiện hành tại khoản 1 Điều 10 Luật Cảnh vệ 2017 bao gồm:
(1) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
(2) Chủ tịch nước;
(3) Chủ tịch Quốc hội;
(4) Thủ tướng Chính phủ;
(5) Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
(6) Nguyên Chủ tịch nước;
(7) Nguyên Chủ tịch Quốc hội;
(8) Nguyên Thủ tướng Chính phủ;
(9) Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
(10) Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
(11) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
(12) Phó Chủ tịch nước;
(13) Phó Chủ tịch Quốc hội;
(14) Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất luật hóa thêm quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ để tạo điều kiện thuận lợi thực thi nhiệm vụ. Cụ thể, Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ có quyền quyết định phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ trong nước và nước ngoài; trong trường hợp cần thiết, quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài, xử phạt vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gồm 2 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; cụ thể đề xuất sửa đổi, bổ sung 15/33 điều. Điều 2 là hiệu lực thi hành.
Trân trọng!