21/08/2018 10:05

Bình luận tội giết người theo Bộ luật hình sự năm 2015

Bình luận tội giết người theo Bộ luật hình sự năm 2015

Tôi muốn hiểu rõ hơn về cấu thành tội phạm tội giết người theo Bộ luật hình sự 2015?

1. Tội giết người là gì?

Trên cơ sở quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015, chúng tôi rút ra khái niệm Tội giết người như sau: Tội giết người là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện.

Cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý của khái niệm này chính là khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.

2. Dấu hiệu pháp lý tội giết người

Khách thể

Khách thể của Tội giết người là quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.

Trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Bởi lẽ, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Khi quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người bị xâm phạm thì mục tiêu phấn đấu của loài người sẽ trở nên vô nghĩa; động lực phát triển của xã hội sẽ bị triệt tiêu. Thêm vào đó, con người còn là chủ thể của quan hệ xã hội. Nếu quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người bị xâm phạm thì các quan hệ xã hội sẽ bị phá vỡ. Chính vì những lý do trên mà mục tiêu bảo vệ quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người luôn được đặt lên hàng đầu đối với mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi thời kỳ và mọi chế độ. Cũng vì ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người mà trong các BLHS từ năm 1985 đến nay, ngay sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia, nhà làm luật đều đã quy định Tội giết người. Điều này càng khẳng định, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người thật sự thiêng liêng, cao quý, cần được bảo vệ một cách tuyệt đối. Bất cứ ai xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người đều phải bị trừng trị nghiêm khắc.

Tội giết người xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người thông qua sự tác động làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động - con người đang sống. Việc xác định đúng đối tượng tác động của Tội giết người có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, nếu hành vi nào đó tác động vào đối tượng không phải hay chưa phải là con người thì không xâm phạm đến quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, vì vậy, hành vi đó không phạm tội giết người.

Mặt khách quan

Hành vi khách quan

Hành vi khách quan của Tội giết người có thể được thực hiện qua hành động hoặc không hành động. Hành động phạm tội giết người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm - quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, qua việc chủ thể làm một việc bị pháp luật cấm. Không hành động phạm tội giết người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm - quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.

Hành vi khách quan của Tội giết người là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan có sự kiểm soát của ý thức và sự điều khiển của ý chí. Đây là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là hành vi đó phải gây ra hoặc có khả năng gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật. Những hành vi không gây ra và cũng không có khả năng gây ra cái chết cho người khác hoặc tuy có khả năng gây ra cái chết cho người khác, nhưng không trái pháp luật (như hành vi phòng vệ chính đáng, hành vi thi hành án tử hình...) thì đều không phải là hành vi khách quan của Tội giết người.

Nghiên cứu hành vi khách quan của Tội giết người cần phân biệt Tội giết người với Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nếu hành vi khách quan của Tội giết người là hành vi cố ý gây ra cái chết cho nạn nhân thì hành vi khách quan của Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng chỉ là hành vi cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Thực tiễn xét xử cho thấy, để xác định đúng tội danh chúng ta cần phân biệt hai tội này qua các tiêu chí cơ bản sau đây:

Thứ nhất, nếu nạn nhân bị chết do tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì: Định Tội giết người khi người phạm tội vì mong muốn hoặc có ý thức bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra nên đã cố ý đặt nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Định tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi người phạm tội chỉ vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, trước đó người phạm tội không có bất kỳ hành vi cố ý nào xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ của nạn nhân.

Thứ hai, nếu nạn nhân bị chết không phải do tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà do hành vi của người phạm tội cố ý gây ra, thì người thực hiện hành vi cố ý gây ra cái chết cho nạn nhân chỉ có thể phạm tội giết người mà không phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Hậu quả

Hậu quả của Tội giết người là thiệt hại do hành vi phạm tội giết người gây ra cho quan hệ nhân thân, cho quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Thiệt hại này được thể hiện dưới dạng thiệt hại về thể chất - hậu quả chết người khác. Nghiên cứu hậu quả của Tội giết người có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành. Vì Tội giết người là tội phạm có cấu thành vật chất nên thời điểm hoàn thành của tội phạm này là thời điểm nạn nhân đã chết sinh vật - giai đoạn cuối cùng của sự chết mà ở đó sự sống của con người không gây ra và cũng không có khả năng hồi phục.

Nghiên cứu hậu quả của Tội giết người cần phân biệt Tội giết người (phạm tội chưa đạt) với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, căn cứ vào dấu hiệu pháp lý của hai tội phạm này chúng tôi thấy, Tội giết người (phạm tội chưa đạt) với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác khác nhau ở những điểm cơ bản sau đây: Một là, về khách thể của tội phạm, nếu khách thể của Tội giết người là quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng của con người thì khách thể của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tuy cũng là quan hệ nhân thân, nhưng nội dung của nó lại là quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khoẻ của con người; hai là, về lỗi của người phạm tội, nếu lỗi của người phạm tội giết người (phạm tội chưa đạt) chỉ là lỗi cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân (mong muốn nạn nhân chết), thì lỗi của người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác lại có thể là: a) Lỗi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (mong muốn hoặc bỏ mặc, chấp nhận gây tổn thương cơ thể cho nạn nhân) hoặc b) Lỗi cố ý gián tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân (bỏ mặc, chấp nhận hậu quả nạn nhân chết nhưng hậu quả này đã không xảy ra). Sở dĩ trường hợp cố ý gián tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân, nếu nạn nhân không chết thì không định Tội giết người (chưa đạt) mà chỉ có thể định Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, bởi vì trong trường hợp này, người phạm tội không mong muốn hậu quả chết người xảy ra; do đó, nếu nạn nhân không chết thì không thể buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm về hậu quả chết người - điều mà họ không mong muốn và nó cũng không xảy ra trên thực tế.

Thực tiễn xét xử cho thấy, để xác định đúng tội danh chúng ta cần phân biệt Tội giết người (phạm tội chưa đạt) với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác qua các tiêu chí cơ bản sau đây:

1) Nếu lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân thì định tội giết người (phạm tội chưa đạt). Đây là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có khả năng làm nạn nhân chết mà vẫn thực hiện vì mong muốn hậu quả nạn nhân chết xảy ra. Sở dĩ nạn nhân không chết là do nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn của người phạm tội;

2) nếu lỗi của người phạm tội không phải là lỗi cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân mà chỉ là lỗi cố ý gián tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân hoặc lỗi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì định Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (trong trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội phạm này).

Mối quan hệ nhân quả

Hành vi khách quan của Tội giết người được coi là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người khác nếu thoả mãn ba điều kiện:

1) Hành vi xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian;

2) Hành vi độc lập hoặc trong mối liên hệ tổng hợp với một hay nhiều hiện tượng khác phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả chết người khác. Khả năng này chính là khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: Khả năng gây chết người của hành động là dùng dao sắc nhọn đâm vào ngực nạn nhân hay của không hành động là không cho trẻ sơ sinh ăn, uống...;

3) Hậu quả chết người khác đã xảy ra phải đúng là sự hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi khách quan của Tội giết người hoặc là khả năng trực tiếp làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động.

Xác định đúng nguyên nhân dẫn đến hậu quả chết người khác không những giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ vấn đề có hành vi xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của người khác xảy ra hay không mà còn có thể kết luận ai là người đã thực hiện hành vi đó. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử Tội giết người trong những năm gần đây cho thấy, không ít trường hợp, do xác định không đúng mối quan hệ nhân quả nên đã xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Chúng tôi xin đưa ra 1 vụ án cụ thể: Tại bản án hình sự sơ thẩm số 84 ngày 31/7/2011, Tòa án nhân dân tỉnh H đã tuyên bố Bùi Văn H không phạm tội giết người. Tại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 12/HS-TK ngày 31/3/2013, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy phần tuyên bố Bùi Văn H không phạm tội giết người của Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để xét xử sơ thẩm lại theo hướng kết án Bùi Văn H về Tội giết người. Bởi lẽ, Bùi Văn H là người tham gia thực hiện tội phạm một cách tích cực. Khi thấy anh T chạy từ trong nhà ra, H đã cầm côn đánh liên tiếp vào anh T làm anh T bị ngã, tạo điều kiện để Nh xông vào dùng dao đâm anh T. Trên người anh T không phải duy nhất chỉ có vết dao đâm của Nh mà có rất nhiều vết thương bầm tím do vật tày gây ra phù hợp với hung khí là côn do H sử dụng. Vì vậy, có đủ căn cứ để kết luận hậu quả anh T bị chết là do hành vi phạm tội của Nh, Lê Đình Th, Lê Đình H và Bùi Văn H gây ra (1).

Chủ thể

Chủ thể của tội phạm nói chung và Tội giết người nói riêng là con người có đủ điều kiện để có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Người có đủ điều kiện để có lỗi, để trở thành chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự - năng lực nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi tất yếu của xã hội. Để có được năng lực này con người phải đạt độ tuổi nhất định. Do vậy, độ tuổi cũng là điều kiện của chủ thể của Tội giết người.

Theo quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015 thì tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là tình trạng của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Quy định này cho thấy, một người được coi là trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi thoả mãn hai dấu hiệu: Dấu hiệu y học, mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động thần kinh và dấu hiệu tâm lý, mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi. Người mắc bệnh trong trường hợp này:

1) Hoặc không còn năng lực hiểu biết những đòi hỏi của xã hội, không còn năng lực đánh giá hành vi đã thực hiện đúng hay sai, được làm hay không được làm... Vì vậy, họ cũng không còn năng lực kiềm chế việc thực hiện hành vi nguy hiểm để thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội;

2) hoặc tuy có năng lực nhận thức và năng lực đánh giá tính chất xã hội của hành vi nguy hiểm, nhưng do các xung động bệnh lý khiến họ không thể kiềm chế được hành vi của mình. Quy định trên cho thấy, người nào tuy mắc bệnh tâm thần, nhưng không mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì không được coi là trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Đây thực chất là trường hợp năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế - một tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm l khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9, khoản 2 Điều 12 và Điều 123 BLHS năm 2015 thì chủ thể của Tội giết người là người từ đủ 14 tuổi trở lên (2). Quy định này dựa trên cơ sở nghiên cứu tâm sinh lý con người Việt Nam, truyền thống lập pháp và chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mặt chủ quan

Lỗi của người phạm tội giết người có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Theo quy định tại Điều 10 BLHS năm 2015 thì lỗi cố ý trực tiếp giết người là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhiều khả năng hoặc tất yếu làm nạn nhân chết nhưng vẫn mong muốn nạn nhân chết. Lỗi cố ý gián tiếp giết người là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể làm nạn nhân chết, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hoặc chấp nhận hậu quả nạn nhân chết.

Nghiên cứu lỗi của người phạm giết người giúp phân biệt Tội giết người với Tội vô ý làm chết người. Nếu lỗi của người phạm tội giết người là lỗi cố ý (với cả hành vi gây ra cái chết cho nạn nhân và cả hậu quả nạn nhân chết) thì lỗi của người phạm tội vô ý làm chết người chỉ là lỗi vô ý (vô ý với cả hành vi gây ra cái chết cho nạn nhân và cả hậu quả nạn nhân chết). Thực tiễn xét xử cho thấy, để định đúng tội danh chúng ta cần phân biệt hai tội này qua tiêu chí cơ bản sau đây: Nếu lỗi của người phạm tội với cái chết của nạn nhân là cố ý thì định Tội giết người. Đây là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể làm nạn nhân chết mà vẫn thực hiện vì mong muốn nạn nhân chết hoặc chấp nhận hậu quả nạn nhân chết. Nếu lỗi của người phạm tội với cái chết của nạn nhân là vô ý thì có thể định tội vô ý làm chết người. Đây là trường hợp người phạm tội không những không mong muốn cho hậu quả chết người xảy ra, cũng không có thái độ “thờ ơ mặc kệ cho hậu quả đó xảy ra mà còn không thấy trước được hậu quả đó mà đáng lẽ ra phải thấy hoặc có thể thấy hoặc tuy có thấy trước hậu quả có thể xảy ra, nhưng chủ quan tin vào một điều kiện cụ thể nào đó sẽ làm cho hậu quả không xảy ra”.

Ngoài ý nghĩa trong việc định tội danh, xác định đúng hình thức lỗi còn có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Bởi lẽ, trong trường hợp giết người với lỗi cố ý gián tiếp, sự quan tâm của người phạm tội không hướng vào hậu quả chết người khác mà hướng vào mục đích khác. Do đó, tất cả những gì xảy ra đối với nạn nhân do hành vi phạm tội đưa lại đều có thể không có tác động gì đến người phạm tội. Ngược lại, trong trường hợp giết người với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội không những hướng tất cả sự chú ý vào việc gây ra hậu quả chết người khác mà còn cố gắng và quyết tâm gây ra hậu quả đó. Họ sẽ tiếp tục hành động, thậm chí còn hành động cương quyết và mạnh mẽ hơn chừng nào còn có biểu hiện là nạn nhân chưa chết, chưa bị tổn thương cơ thể hoặc chưa thể chết, chưa thể bị tổn thương cơ thể được. Cho nên, nếu các tình tiết khác tương đương, người phạm tội giết người với lỗi cố ý trực tiếp phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp.

Khác dấu hiệu lỗi, trong mặt chủ quan của Tội giết người, động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, ở một số cấu thành tội phạm mà mặt khách quan cũng đòi hỏi dấu hiệu hành vi gây ra cái chết cho người khác, nhưng dấu hiệu động cơ hoặc mục đích phạm tội lại được quy định là dấu hiệu bắt buộc thì việc xác định đúng động cơ, mục đích phạm tội sẽ giúp định đúng tội danh, xác định đúng khung hình phạt và phân biệt được Tội giết người với một số tội phạm khác cũng có hành vi cố ý gây ra cái chết cho nạn nhân. Cụ thể là:

1) Người nào cố ý gây ra cái chết cho người khác (thường là cán bộ, công chức hoặc công dân đang giữ những trọng trách nhất định) nhằm chống chính quyền nhân dân thì phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); không nhằm chống chính quyền nhân dân thì (mới) phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người.

2) Người nào trong khi thi hành công vụ, xuất phát từ động cơ thi hành công vụ mà cố ý gây ra cái chết cho người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 127); nếu do hống hách, coi thường tính mạng người khác hoặc do tư thù cá nhân thì (mới) phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người.

3) Người nào cố ý gây ra cái chết cho nạn nhân trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó thì phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125); nếu không thỏa mãn các điều kiện trên thì (mới) phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

4) Người nào vì muốn bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà cố ý gây ra cái chết cho người đang xâm phạm những lợi ích nói trên một cách rõ ràng quá mức cần thiết thì không phạm tội giết người mà phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126).

Nguồn: Kiểm sát online

2258

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]