31/08/2018 11:27

Tội giết người theo Bộ luật hình sự năm 2015

Tội giết người theo Bộ luật hình sự năm 2015

Tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015), là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện.

1. Tình tiết định khung tăng nặng của Tội giết người

Giết 02 người trở lên (điểm a khoản 1 Điều 123)

Giết 02 người trở lên là trường hợp người phạm tội cố ý gây ra cái chết cho 02 người khác trở lên một cách trái pháp luật. Người phạm tội trong trường hợp này có ý định giết từ 02 người trở lên hoặc có ý thức bỏ mặc, chấp nhận hậu quả 02 người chết trở lên xảy ra. Nếu người phạm tội có ý thức bỏ mặc, chấp nhận hậu quả chết người xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp) thì phải có từ 02 người chết trở lên mới áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này.

Nếu có 02 người chết, nhưng lại có 02 người chết do lỗi vô ý của người phạm tội thì không coi là giết nhiều người mà thuộc trường hợp phạm hai tội: “Tội giết người” và “Tội vô ý làm chết người”. Nếu có 02 người chết, nhưng chỉ có 01 người thuộc trường hợp quy định tại Điều 123 BLHS, còn người kia lại thuộc trường hợp trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc thuộc trường hợp làm chết người trong khi thi hành công vụ thì cũng không định tội giết 02 người trở lên mà tuỳ từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người và một tội khác (giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng...).

Giết người dưới 16 tuổi (điểm b khoản 1 Điều 123)

Giết người dưới 16 tuổi được quy định là tình tiết định khung tăng nặng của Tội giết người, vì hành vi này không những “phá vỡ” hạnh phúc của gia đình, làm “thui chột”, “lụi tàn” một “chủ nhân” là thế hệ tương lai của đất nước mà còn thể hiện bản tính hèn hạ và độc ác của can phạm. Xuất phát từ quan điểm bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai của đất nước, bảo vệ lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những người không có khả năng tự vệ nên BLHS đã quy định tình tiết này là tình tiết định khung tăng nặng của tội phạm nói chung và Tội giết người nói riêng.

Xuất phát từ cơ sở giết người dưới 16 tuổi có tính nguy hiểm cao hơn so với giết những đối tượng bình thường khác, BLHS năm 1999 đã bổ sung tình tiết định khung tăng nặng giết trẻ em vào Tội giết người và BLHS năm 2015 đã kế thừa quy định đó (chỉ thay cụm từ “trẻ em” bằng cụm từ “người dưới 16 tuổi”). Quy định này không chỉ nhằm trừng trị nghiêm những người có hành vi giết trẻ em, góp phần ngăn chặn tình trạng xâm phạm tính mạng của trẻ em đang có xu hướng gia tăng mà còn nhằm bảo đảm thực hiện các quy định trong Công ước quốc tế mà nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia hoặc ký kết về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Giết phụ nữ mà biết là có thai (điểm c khoản 1 Điều 123)

Giết phụ nữ mà biết là có thai là trường hợp người phạm tội biết rõ người mình giết là phụ nữ đang có thai (không kể tháng thứ mấy). Nếu nạn nhân là người tình của người phạm tội, người phạm tội giết nạn nhân để trốn tránh trách nhiệm thì còn có thể bị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng giết người vì động cơ đê hèn.

Nếu người bị giết có thai thật, nhưng có căn cứ để xác định người phạm tội không biết họ đang có thai thì không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này. Ngược lại, trong trường hợp người phụ nữ bị giết không có thai, nhưng người phạm tội lại tưởng lầm là nạn nhân có thai và sự lầm tưởng này của người phạm tội là có căn cứ, thì người phạm tội vẫn bị xét xử về Tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng “giết phụ nữ mà biết là có thai”.

Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (điểm d khoản 1 Điều 123)

Giết người đang thi hành công vụ là cố ý gây ra cái chết cho người đang thực hiện một nhiệm vụ được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội có thẩm quyền giao phó. Nhiệm vụ được giao phó có thể là đương nhiệm do nghề nghiệp quy định như: Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đang làm nhiệm vụ bảo vệ; thầy thuốc đang điều trị tại bệnh viện; thầy giáo đang giảng bài hoặc hướng dẫn học sinh tham quan nghỉ mát; Thẩm phán đang xét xử tại phiên toà; thanh niên cờ đỏ, dân quân tự vệ đang làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự ở nơi công cộng... Cũng có thể được coi là giết người đang thi hành công vụ trong một số trường hợp nạn nhân là những công dân được huy động làm nhiệm vụ (như tuần tra, canh gác...) theo kế hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của nhà nước, của xã hội hoặc nạn nhân tuy không phải là những công dân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền huy động, nhưng đã tự nguyện tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong một số lĩnh vực nhất định như: Đuổi bắt người phạm tội bỏ trốn; can ngăn những vụ đánh nhau ở nơi công cộng...

Khác với trường hợp giết người đang thi hành công vụ, giết người vì lý do công vụ của nạn nhân là trường hợp giết nạn nhân không phải lúc họ đang thi hành công vụ mà có thể trước hoặc sau đó. Thông thường, nạn nhân là người đã thi hành một nhiệm vụ và vì thế đã làm cho người phạm tội thù oán nên đã giết họ. Tuy nhiên, có một số trường hợp người bị giết chưa kịp thi hành nhiệm vụ được giao, nhưng người có hành vi giết người cho rằng nếu để người này sống, nhiệm vụ mà họ thực hiện sẽ gây ra thiệt hại cho mình, nên đã giết nạn nhân trước.

Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình (điểm đ khoản 1 Điều 123)

Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình là trường hợp người phạm tội đã cố ý gây ra cái chết cho những người mà họ phải kính trọng, phải biết ơn, đó là ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.

Hành vi giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình đã làm tăng đáng kể mức độ lỗi của người phạm tội so với trường hợp giết người thông thường, làm đảo lộn các giá trị xã hội và báo động tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, nhân cách. Bởi lẽ, hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đạo đức, mất hết “nhân tính”, “dám” giết hại cả những người mà mình phải tôn thờ, kính trọng. Việc BLHS năm 2015 quy định tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình nhằm trừng trị và giáo dục người phạm tội ý thức tôn trọng ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo; giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật và giữ gìn đạo đức xã hội.

Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (điểm e khoản 1 Điều 123)

Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp giết người mà liền trước hoặc ngay sau khi giết người, người phạm tội lại thực hiện một tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS năm 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù hoặc một tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ví dụ: Ngay sau khi giết nạn nhân, người phạm tội lại thực hiện Tội cướp tài sản của người khác không có quan hệ gì với nạn nhân.

Tuy chưa có giải thích hoặc hướng dẫn như thế nào là “liền trước đó” hoặc “ngay sau đó”, nhưng qua thực tiễn xét xử chỉ coi là liền trước hoặc ngay sau hành vi giết người, nếu như tội phạm được thực hiện trước đó hoặc sau đó về thời gian phải liền kề với hành vi giết người có thể trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ hoặc là trong ngày, nếu tội phạm thực hiện trước đó hoặc sau đó có khoảng cách nhất định không còn liền với hành vi giết người thì không coi là giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp giết người này khác với trường hợp giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác ở chỗ: Tội phạm mà người phạm tội thực hiện trước hoặc sau khi giết nạn nhân không liên quan đến Tội giết người và phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác (điểm g khoản 1 Điều 123)

Giết người để thực hiện tội phạm khác là trường hợp sau khi giết nạn nhân, người phạm tội còn thực hiện tội phạm khác. Tội phạm được thực hiện sau khi giết người phải có liên quan mật thiết với hành vi giết người. Hành vi giết người là tiền đề, là phương tiện để thực hiện tội phạm sau, nếu không giết người thì không thực hiện được tội phạm sau. Ví dụ: Giết người để cướp tài sản, giết người để khủng bố, giết người để trốn đi nước ngoài...

Giết người để che giấu tội phạm khác là trường hợp trước khi giết nạn nhân, người phạm tội đã thực hiện tội phạm khác và để che giấu tội phạm đó, người phạm tội đã giết nạn nhân. Thông thường sau khi phạm một tội có nguy cơ bị lộ, người phạm tội cho rằng chỉ có giết người thì tội phạm mà mình thực hiện mới không bị phát hiện. Người bị giết trong trường hợp này thường là người đã biết hành vi phạm tội hoặc là người cùng thực hiện tội phạm với người phạm tội. Ví dụ: A phạm tội trộm cắp tài sản của C bị B phát hiện. Để che giấu tội phạm trộm cắp tài sản, A đã giết B.

Giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác là trường hợp giết người xuất phát từ động cơ để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác. Tội phạm khác có thể là tội phạm bất kỳ do BLHS quy định, không bắt buộc phải là tội phạm rất nghiêm trọng hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và tội phạm khác cũng không bắt buộc phải được thực hiện liền trước đó hoặc ngay sau khi người phạm tội giết nạn nhân.

Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (điểm h khoản 1 Điều 123)

Giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là trường hợp giết người vì mục đích để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân và khi có bộ phận cơ thể của nạn nhân, người phạm tội có thể dùng để thay thế bộ phận đó cho mình hoặc cho người thân của mình hoặc để bán cho người khác.

Nếu vì quá căm tức, uất ức hoặc bị kích động mạnh mà người phạm tội sau khi giết nạn nhân đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân để thỏa mãn sự căm tức, uất ức hoặc kích động mạnh thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Sau khi giết người, người phạm tội đã mổ bụng, lấy gan nạn nhân cho chó ăn. Trường hợp này có thể áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “thực hiện tội phạm một cách man rợ”.

Thực hiện tội phạm một cách man rợ (điểm i khoản 1 Điều 123)

Thực hiện tội phạm một cách man rợ là trường hợp giết người làm cho nạn nhân đau đớn, quằn quại trước khi chết như: Mổ bụng, moi gan, khoét mắt, chặt chân tay, xẻo thịt, lột da, tra tấn cho tới chết... Các hành vi này thường được người phạm tội thực hiện trước khi tội phạm hoàn thành, tức là trước khi nạn nhân bị chết. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng coi các hành vi nêu trên để che giấu tội phạm là hành vi thực hiện tội phạm một cách man rợ. Ví dụ: Sau khi đã giết người, người phạm tội cắt xác nạn nhân ra nhiều phần đem vứt mỗi nơi một ít để phi tang. Đây là vấn đề về lý luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo chúng tôi nếu coi cả những hành vi có tính chất man rợ nhằm che giấu Tội giết người cũng là “thực hiện tội phạm một cách man rợ” thì nên quy định trường hợp phạm tội này là “phạm tội một cách man rợ”, vì phạm tội bao hàm cả hành vi che giấu tội phạm, còn thực hiện tội phạm mới chỉ mô tả hành vi khách quan và ý thức chủ quan của người phạm tội trong cấu thành tội phạm giết người.

 Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp (điểm k khoản 1 Điều 123)

Là trường hợp người phạm tội đã sử dụng nghề nghiệp của mình để làm phương tiện giết người dễ dàng và cũng dễ dàng che giấu tội phạm như: Bác sĩ giết bệnh nhân, nhưng lập bệnh án là nạn nhân chết do bệnh hiểm nghèo; bảo vệ bắn chết người, nhưng lại vu cho họ là kẻ cướp. Lợi dụng nghề nghiệp để giết người là phạm tội với thủ đoạn rất xảo quyệt, nên nhà làm luật không chỉ dừng lại ở quy định là tình tiết tăng nặng mà coi thủ đoạn này là tình tiết định khung hình phạt.

Phải xác định rõ người phạm tội đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để giết người thì mới thuộc trường hợp phạm tội này. Nếu người có hành vi giết người bằng phương pháp có tính chất nghề nghiệp, nhưng đó không phải là nghề nghiệp của y mà lại lợi dụng người có nghề nghiệp đó rồi thông qua người này thực hiện ý đồ của mình thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Một kẻ đã đánh tráo ống thuốc tiêm của y tá điều trị, thay vào đó một ống thuốc giả có nhãn hiệu như ống thuốc thật, nhưng có độc tố mạnh để mượn tay người y tá giết chết bệnh nhân mà y có thù oán.

Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người (điểm l khoản 1 Điều 123)

Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là trường hợp người phạm tội đã sử dụng những công cụ, phương tiện hoặc thủ đoạn phạm tội có khả năng làm chết từ 02 người trở lên như: Ném lựu đạn vào chỗ đông người; cho thuốc độc vào nguồn nước, bể nước công cộng; bắn súng vào tàu, xe, ca nô khi đang có nhiều người ở trên...

Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người không những đe doạ gây ra hậu quả chết nhiều người mà còn thể hiện mức độ tàn ác của hành vi phạm tội. Do đó, BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 và cả BLHS năm 2015 đều quy định tình tiết “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” là tình tiết định khung tăng nặng.

Thuê giết người hoặc giết người thuê (điểm m khoản 1 Điều 123)

Thuê giết người là trường hợp trả cho người khác tiền hoặc lợi ích vất chất để họ giết người mà mình muốn giết. Cũng giống như những trường hợp thuê làm một việc, người phạm tội vì không trực tiếp thực hiện hành vi giết người nên đã dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để thuê người khác giết người. Người trực tiếp giết người trong trường hợp này là người giết thuê.

Giết người thuê là trường hợp người phạm tội lấy việc giết người làm phương tiện để kiếm tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Vì muốn có tiền nên người phạm tội đã nhận lời với người thuê mình để giết một người khác. Việc trừng trị nặng người giết thuê là nhằm ngăn chặn tình trạng “đâm thuê, chém mướn”, nhất là trong nền kinh tế thị trường, ở nơi này hoặc nơi khác đã xuất hiện không ít người chuyên hoạt động đâm thuê, chém mướn.

Thuê giết người và giết người thuê có mối quan hệ mật thiết với nhau, cái này là tiền đề của cái kia, thiếu một trong hai cái thì không có trường hợp giết người này xảy ra (có người thuê, mới người làm thuê). Thông thường việc giết người thuê và thuê giết người đồng thời là trường hợp giết người có tổ chức, nhưng cũng có thể chỉ là trường hợp đồng phạm bình thường.

Có tính chất côn đồ (điểm n khoản 1 Điều 123)

Giết người có tính chất côn đồ là trường hợp giết người vô cớ (không có nguyên cớ) hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác và những quy tắc trong cuộc sống.

Khi xác định trường hợp giết người có tính chất côn đồ cần phải có quan điểm xem xét toàn diện mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của người phạm tội khi gây án, nguyên nhân nào dẫn đến việc người phạm tội giết người..., tránh xem xét một cách phiến diện như: Chỉ nhấn mạnh đến nhân thân người phạm tội hoặc địa điểm xảy ra vụ giết người hay hành vi cụ thể gây ra cái chết cho nạn nhân...

Có tổ chức (điểm o khoản 1 Điều 123)

Giết người có tổ chức là trường hợp giết người có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm giết người. Nếu nhiều người cùng tham gia vào một vụ án giết người, nhưng không có sự cấu kết chặt chẽ mà chỉ có sự đồng tình mang tính chất hời hợt thì không phải là giết người có tổ chức.

Thực tiễn xét xử cho thấy, do chưa có quan niệm thống nhất cho nên một số Tòa án đã nhầm lẫn phạm tội có tổ chức với những trường hợp đồng phạm khác. Vì vậy, để phân biệt phạm tội có tổ chức với những trường hợp đồng phạm khác cần phải chú ý đến các vấn đề sau đây1: Phạm tội có tổ chức phải có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Trong thực tế, sự câu kết này có thể thể hiện dưới các dạng sau đây: (1) Những người đồng phạm giết người đã tham gia một tổ chức phạm tội như: Hội, băng, ổ... có những tên chỉ huy, cầm đầu. Tuy nhiên, cũng có khi tổ chức phạm tội giết người không có những tên chỉ huy, cầm đầu mà chỉ là sự tập hợp những tên chuyên phạm tội đã thống nhất cùng nhau hoạt động phạm tội. (2) Những người đồng phạm giết người đã cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã thống nhất trước. (3) Những người đồng phạm giết người tuy chỉ thực hiện tội phạm một lần, nhưng đã tổ chức thực hiện tội phạm theo một kế hoạch được tính toán kỹ càng, chu đáo, có chuẩn bị phương tiện hoạt động và có khi còn chuẩn bị cả kế hoạch che giấu tội phạm. Ví dụ: Giết người mà có bàn bạc hoặc phân công điều tra sinh hoạt của nạn nhân, chuẩn bị phương tiện và kế hoạch che giấu tội phạm...

Tái phạm nguy hiểm (điểm p khoản 1 Điều 123)

Người phạm tội giết người bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng tái phạm nguy hiểm nếu họ thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

Một là, đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi giết người. Ví dụ: A đã bị kết án về tội cướp tài sản chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi giết người.

Hai là, đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi giết người. Ví dụ: A đã tái phạm về tội trộm cắp tài sản, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi giết người.

Vì động cơ đê hèn (điểm q khoản 1 Điều 123)

Giết người vì động cơ đê hèn là trường hợp giết người vì những động cơ như2: Giết vợ hoặc chồng để tự do lấy vợ hoặc chồng khác; giết chồng để lấy vợ hoặc giết vợ để lấy chồng nạn nhân; giết người tình mà biết họ đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm; giết chủ nợ để trốn nợ; giết người để cướp tài sản; giết người là ân nhân của mình… Ngoài các trường hợp đã nêu trên, thực tiễn xét xử còn coi trường hợp vì không giết được người mình muốn giết mà giết người thân của họ là giết người vì động cơ đê hèn.

2. Hình phạt đối với Tội giết người

Hình phạt chính đối với Tội giết người

Hình phạt chính đối với Tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123

Tại khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 quy định: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c)...

Thực tiễn xét xử cho thấy, có bị cáo phạm tội giết người chỉ thuộc một trong các trường hợp (chỉ có 01 tình tiết định khung tăng nặng) quy định tại khoản 1 Điều 123 nhưng vẫn có thể bị phạt tử hình. Trong khi đó, có bị cáo phạm tội giết người thuộc nhiều trường hợp (có nhiều tình tiết định khung tăng nặng) quy định ở khoản 1 Điều 123 nhưng chỉ bị xử phạt dưới 20 năm tù. Vì vậy, không nên căn cứ vào số lượng các trường hợp phạm tội (các tình tiết định khung tăng nặng) mà phải cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt đối với người phạm Tội giết người.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm Tội giết người theo khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59)3,4.

Hình phạt chính đối với Tội giết người theo quy định tại khoản 2 Điều 123

Khoản 2 Điều 123 BLHS quy định: Người nào giết người không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 nêu trên, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Đây là trường hợp giết người thông thường, không có các tình tiết định khung tăng nặng. Về kỹ thuật lập pháp, trường hợp phạm tội giết người này chính là cấu thành tội phạm cơ bản của Tội giết người, nhưng do truyền thống lập pháp của nước ta về Tội giết người nên nhà làm luật đã xây dựng cấu thành tội phạm tăng nặng trước cấu thành tội phạm cơ bản. Vì vậy, không được coi khoản 2 Điều 123 BLHS là cấu thành tội phạm giảm nhẹ của Tội giết người như trong một số tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm Tội giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS năm 2015, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59).

Nếu người phạm Tội giết người có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (dưới 07 năm tù).

Nếu người phạm Tội giết người có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 15 năm tù.

Hình phạt chính đối với Tội giết người theo quy định tại khoản 3 Điều 123

Khoản 3 Điều 123 BLHS quy định: Người chuẩn bị phạm tội giết người, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Chuẩn bị phạm tội giết người là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm giết người. Khoản 3 Điều 123 là cách quy định mới của BLHS năm 2015. Bởi lẽ, trong BLHS năm 1999, hành vi chuẩn bị phạm tội giết người chỉ được quy định chung (với nội dung là: Chỉ người nào chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện) trong phần chung của BLHS, không được quy định trong một khoản của từng tội phạm, phần các tội phạm của BLHS. Cách quy định mới này tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và áp dụng quy định của BLHS nói chung và quy định của BLHS về Tội giết người nói riêng.

Hình phạt bổ sung đối với Tội giết người

Khoản 4 Điều 123 BLHS quy định: Người phạm tội giết người, ngoài các hình phạt chính như đã nêu trên, còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Đây là những hình phạt bổ sung có thể được áp dụng kèm theo hình phạt chính trong những trường hợp cần thiết. Đối với Tội giết người, nếu Toà án áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội thì không thể áp dụng hình phạt bổ sung vì các hình phạt bổ sung là hình phạt phải thi hành sau khi chấp hành xong hình phạt tù, một người đã bị kết án tử hình thì không có việc chấp hành xong hình phạt tù, nếu áp dụng hình phạt bổ sung đối với người bị án tử hình sẽ trở thành vô nghĩa. Riêng đối với hình phạt tù chung thân cũng có ý kiến cho rằng, Toà án có thể áp dụng hình phạt bổ sung, vì người bị phạt tù chung thân có thể được giảm thời hạn tù và trên thực tế chưa có người nào bị phạt tù chung thân lại ở tù suốt đời. Vì vậy, việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ là cần thiết và như vậy mới bảo đảm tính công bằng với người bị phạt tù có thời hạn. Tuy nhiên, hình phạt tù chung thân là hình phạt tù không có thời hạn, nếu Toà án áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội thì khi tuyên án, Toà án không thể quyết định cấm cư trú hoặc quản chế người phạm tội mấy năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù, quyết định như vậy xét về góc độ pháp lý là không chính xác, vì không ai biết khi nào người phạm tội bị phạt tù chung thân chấp hành xong hình phạt. Trừ trường hợp BLHS quy định “người bị phạt tù chung thân nếu được giảm hình phạt xuống tù có thời hạn thì Toà án sẽ áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ hoặc nếu áp dụng hình phạt bổ sung đối với người bị phạt tù chung thân thì hình phạt bổ sung sẽ được thi hành nếu người bị kết án tù chung thân được giảm hình phạt xuống tù có thời hạn theo quy định của BLHS”.

Việc quy định hình phạt bổ sung có thể áp dụng đối với người phạm Tội giết người không những hỗ trợ cho hình phạt chính, tăng khả năng cá thể hóa hình phạt, mà còn giúp đạt được mục đích của hình phạt là không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm nói chung và Tội giết người nói riêng./.

1. Xem thêm: Toà án nhân dân tối cao (1988), Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16/11/1988 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn bổ sung Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (về vấn đề phạm tội có tổ chức).

2. Xem thêm: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (1986), Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 1999.

3. Xem thêm: Đinh Văn Quế (2000), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 1999, Phần chung, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh, tr.227-235 (Căn cứ quyết định hình phạt).

4. Nguyên tắc này áp dụng chung cho tất cả các trường hợp phạm tội nên chúng tôi chỉ nêu một lần và không nhắc lại khi phân tích các trường hợp phạm tội khác. 

Nguồn: Kiểm sát online

7455

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn