Điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60; điểm c khoản 2 Điều 278 BLHS năm 1999 (tương ứng với điểm b, s Điều 51; Điều 54; Điều 65, điểm c khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015);
2. Sự cần thiết công bố án lệ
Hiện nay, việc xác định số tiền chiếm đoạt trong trường hợp có khắc phục một phần hậu quả để làm căn cứ định tội và định khung hình phạt còn có những cách hiểu khác nhau, thiếu tính thống nhất. Rất cần phải có một án lệ giải thích về vấn đề này. Án lệ hình sự số 19/2018 là án lệ có nội dung theo tình huống trên. Cụ thể, trong vụ án bị cáo lợi dụng sơ hở trong quản lý ngân hàng bằng thủ đoạn gian dối, nhiều lần trực tiếp làm thủ tục rút và chi tiền tiết kiệm từ quỹ của chi nhánh ngân hàng do bị cáo quản lí nhưng thực tế không chi có bất kì ai. Quá trình điều tra bị cáo đã khắc phục được một phần số tiền đã chiếm đoạt. Viện kiểm sát nhân dân cho rằng số tiền bị cáo khắc phục hậu quả nên không truy tố về hành vi này. Việc không truy tố số tiền đã khắc phục không những bỏ lọt tội phạm mà còn dẫn đến xác định sai khung hình phạt áp dụng. Do đó, việc công bố án lệ số 19/2018 là rất cần thiết cho quá trình điều tra, truy tố và xét xử áp dụng cho thống nhất.
3. Nội dung vụ án và tình huống án lệ
* Nội dung vụ án
Võ Thị Ánh N không được lãnh đạo Ngân hàng nông nghiệp C giao nhiệm vụ chi tiền tiết kiệm nhưng lợi dụng sự sơ hở trong quá trình quản lý của Ngân hàng, Võ Thị Ánh N đã nhiều lần trực tiếp làm các thủ tục và chi tiền tiết kiệm từ quỹ của chi nhánh ngân hàng do Võ Thị Ánh N quản lý cho sổ tiết kiệm NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V với tổng số tiền là 471.432.700 đồng. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định không có khách hàng nào tên Ngô Thanh V và bản thân Võ Thị Ánh N cũng không chứng minh được ai là người đến nhận số tiền này.
Sau khi làm thủ tục chi tiền cho khách hàng Ngô Thanh V, Võ Thị Ánh N đã chuyển 251.000.000 đồng là tiền trong quỹ của ngân hàng do Võ Thị Ánh N quản lý vào tài khoản ATM mang tên Võ Thị T do Võ Thị Ánh N là người trực tiếp mở thẻ, quản lý và sử dụng; sau đó nhiều lần rút số tiền này để chiếm đoạt của Ngân hàng nông nghiệp C. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết án Võ Thị Ánh N về tội “Tham ô tài sản” đối với số tiền 251.000.000 đồng là có căn cứ và đúng pháp luật. Tuy nhiên, số tiền mà Võ Thị Ánh N chiếm đoạt của Ngân hàng là 251.000.000 đồng nên hành vi phạm tội của Võ Thị Ánh N thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 278 BLHS “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng” có khung hình phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ áp dụng khoản 2 Điều 278 BLHS xử phạt bị cáo Võ Thị Ánh N 03 năm tù là quá nhẹ, không đúng với quy định của pháp luật. Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện ra sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm, vẫn giữ nguyên mức hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng, không đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra.
* Tình huống án lệ
“Đối với số tiền còn lại 220.432.700 đồng (471.432.700 – 251.000.000 = 220.432.700 đồng) mà Võ Thị Ánh N đã chi trả cho sổ tiết kiệm bậc thang NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V, Võ Thị Ánh N đã khắc phục xong hậu quả, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố C đã thu hồi được toàn bộ số tiền bị mất. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định cho rằng bị cáo đã khắc phục hậu quả nên không truy tố về hành vi này là bỏ lọt tội phạm.”
4. Tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự áp dụng án lệ
Khi vụ án hình sự bị truy tố về tội tham ô tài sản và xác định số tiền bị cáo chiếm đoạt. Trong quá trình điều tra, bị cáo có bồi thường, khắc phục hậu quả một phần số tiền đã chiếm đoạt, thì phải truy tố và xét xử bị cáo về tội tham ô với tổng số tiền được xác định chiếm đoạt ban đầu. Khi vụ án hình sự có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự như vậy thì Tòa án phải áp dụng ALHS số 19/2018 để xét xử bị cáo.
ALHS số 19 không chỉ lập luận, giải thích, chỉ ra việc bỏ lọt hành vi phạm tội trong tội tham ô tài sản mà còn chỉ ra việc đánh giá tính chất, mức độ hậu quả hành vi phạm tội không đúng, dẫn đến áp dụng sai khung hình phạt. Lẽ ra bị cáo phải bị xét xử theo khoản 3 Điều 278 BLHS 1999,có khung hình phạt từ mười lăm năm đến hai mươi năm. Do loại trừ số tiền chiếm đoạt đã khắc phúc nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 278 BLHS 1999 có khung hình phạt từ bảy đến mười lăm năm tù để xét xử bị cáo là không đúng pháp luật.
Mặc dù số lượng các án lệ được ban hành còn khiêm tốn nhưng đã thể hiện được quyết tâm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; được nhìn nhận là dấu ấn quan trọng về cải cách tư pháp, góp phần minh bạch hóa các bản án, quyết định của Tòa án, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau. Các án lệ mới được công bố đã phần nào đáp ứng được mong đợi của người dân, khắc phục được các khiếm khuyết và bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động xét xử, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án. Theo kết quả khảo sát, từ ngày 01/ 10/2016 đến 2/2018, mới chỉ có 14 tỉnh thành phố trong cả nước áp dụng án lệ trong xét xử, với 18 bản án có áp dụng án lệ và chưa có án lệ hình sự nào được áp dụng. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ này 01/10/2016 đến ngày 10/06/2018, có khoảng 143 bản án, quyết định của các Tòa án nhân dân đã viện dẫn, áp dụng án lệ (trong đó chủ yếu là viện dẫn án lệ dân sự, hôn nhân, kinh doanh, thương mại). Riêng án lệ hình sự chưa được viện dẫn, áp dụng vào trong hoạt động xét xử của hệ thống Tòa án nhân dân.