02/05/2019 13:52

Bình luận Án lệ hình sự số 01/2016/AL về vụ án Giết người

Bình luận Án lệ hình sự số 01/2016/AL về vụ án Giết người

Trong thời gian qua, có nhiều án lệ về hình sự được ban hành. Việc bình luận, phân tích những tình tiết, sự kiện pháp lý của vụ án hình sự được đề cập trong đó sẽ làm cơ sở cho việc áp dụng các vụ án hình sự tương tự về sau nhằm bảo đảm hiệu quả áp dụng án lệ hình sự trong thực tiễn xét xử. Dưới đây là bài bình luận của một trong bốn án lệ hình sự ở Việt Nam hiện nay.

1.1. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ

- Điều 93 của Bộ luật hình sự năm 1999

Điều 93. Tội giết người

"Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung than hoặc tử hình:

… m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ…”

- Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999

“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

… Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”…

1.2. Sự cần thiết phải công bố án lệ

Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định về tội giết người (Điều 93) và tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người” (khoản 3 Điều 104). Hai tội danh này có nhiều dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản giống nhau như: Đều có hành vi khách quan là đánh, đâm, chém, bắn…; hậu quả là nạn nhân chết. Việc phân biệt hai tội danh này chủ yếu dựa vào ý thức chủ quan của người phạm tội. Thực tiễn xét xử cho thấy, trong nhiều trường hợp việc phân định hai tội danh nêu trên là rất khó khăn do các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng khó có thể xác định ý thức chủ quan của người phạm tội và thực tế thì cơ sở để xác định ý thức chủ quan của người phạm tội chủ yếu dựa trên việc đánh giá những biểu hiện khách quan bên ngoài của hành vị phạm tội. Bên cạnh đó, việc xác định như thế nào là “gây thương tích dẫn đến chết người” cũng chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến nhiều cách hiểu, đánh giá khác nhau về cùng một hành vi, từ đó dễ dẫn đến sai sót trong việc xác định tội danh của người phạm tội.

Việc Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn, công bố Án lệ số 01/2016/AL nhằm làm rõ sự khác biệt giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích với tình tiết tăng nặng định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”. Theo đó, dấu hiệu pháp lý đặc trưng để phân biệt hai tội này là về ý thức chủ quan của bị cáo nhằm tước đoạt tính mạng của người khác hay chỉ có ý muốn gây thương tích cho người khác, họ có thấy hoặc buộc phải thấy trước hậu quả chết người xảy ra hay không?

1.3. Nội dung vụ án và tình huống của án lệ

Trong các vụ việc tạo lập Án lệ số 01/2016/AL, bị cáo Đồng Xuân Phương đã thuê Hoàng Ngọc Mạnh, Đoàn Đức Lân đánh anh Nguyễn Văn Soi để trả thù bằng cách dùng dao đâm vào chân, tay anh Soi để gây thương tích. Sau đó, Mạnh đã thực hiện hành vi đâm 02 nhát vào mặt sau đui phải, làm anh Soi chết. Kết luận giám định cho thấy anh Soi bị 02 vết thương tại mặt sau đùi phải, vết phía trên xuyên vào cơ đùi 3cm, vết phía dưới cắt đứt động mạch, tĩnh mạch, đùi sau gây chảy mất nhiều máu. Nguyên nhân bị hại chết là do cú sốc mất mấy cấp không hồi phục do vết thương động mạch. Đoàn Đức Lân và Hoàng Ngọc Mạnh đã bỏ trốn, đang bị truy nã.

Án lệ này đang xem xét trách nhiệm hình sự của người chủ mưu trong một vụ án hình sự có đồng phạm tham gia. Trong án lệ này, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã căn cứ vào ý thức chủ quan của bị cáo là có mong muốn tước đoạt tính mạng của người bị hại không và hành vi khách quan thể hiện bên ngoài chứng minh cho ý thức chủ quan đó để xác định bị cáo phạm tội giết người hay cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.

Trường hợp này, người chủ mưu không có ý định tước đoạt tính mạng của người bị hại nên chỉ yêu cầu người thực hành gây thương tích vào chân, tay bị hại; không yêu cầu người tiến hành tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân. Người thực hành làm đúng yêu cầu của người chủ mưu, nhưng sau đó nạn nhân bị chết do sốc mất máu cấp ngoài ý muốn của người chủ mưu…Trong trường hợp này, người chủ mưu chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người” mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

1.4. Hoàn cảnh tương tự được áp dụng án lệ

Án lệ số 01/2016/AL nhằm hướng dẫn các Tòa án trong việc xác định trách nhiệm hình sự của người chủ mưu phạm tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người” trong vụ án có đồng phạm. Theo đó, trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.

Án lệ số 01/2016/AL được hình thành trên cơ sở một vụ án có đồng phạm và người bị truy cứu trách nhiệm hình sự là người chủ mưu. Tuy nhiên, bản chất của việc xác định bị cáo phạm tội giết người hay tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người” là ở chỗ xác định ý thức chủ quan của bị cáo có ý định tước đoạt tính mạng của người bị hại hay không và hành vi khách quan chứng minh được cho ý thức chủ quan của bị cáo mà không phụ thuộc vào việc bị cáo đó là người chủ mưu hay người thực hành. Vì vậy, tình huống án lệ này cũng nên được áp dụng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm. Nếu chứng minh được người thực hiện hành vi phạm tội không có ý định tước đoạt tính mạng của người bị hại, khi gây thương tích, bị cáo không tấn công vào những phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người, việc nạn nhân chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo thì cũng cần áp dụng án lệ này để xử bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người” mà không xử tội “giết người”.

Tuy nhiên, khi xem xét án lệ này cũng còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm cho rằng các bị cáo được thuê gây thương tích hiện đang bỏ trốn, chưa bắt được. Việc xác định tội danh đối với người thuê phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người chủ yếu dựa vào lời khai của bị cáo và sự phù hợp với vị trí gây thương tích. Chưa có căn cứ xác định ý thức chủ quan cũng như đầy đủ diễn biến hành vi khách quan của người được thuê khi thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, án lệ này chưa phải là giải pháp pháp lí toàn diện, dễ bị thay đổi nếu bắt được các bị cáo bỏ trốn và xuất hiện những tình tiết khác với vụ án đã được xét xử. Đặc biệt, khó khăn trong việc hiểu như thế nào là “đảm bảo những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau” để áp dụng xét xử các vụ án hình sự tương tự theo quy định tại khoản 3, Điều 2, Nghị quyết số 03/2015/HĐTP.

Kim Huệ
5253

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]