20/02/2024 18:01

Bill hàng xách tay là gì? Bán hàng xách tay không có bill bị xử lý thế nào?

Bill hàng xách tay là gì? Bán hàng xách tay không có bill bị xử lý thế nào?

Tôi muốn hỏi bill hàng xách tay là gì? Bán hàng xách tay không có bill bị xử lý thế nào?_Anh Đào(Hà Nội)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Bill hàng xách tay là gì?

Bill hàng xách tay (hay còn gọi là phiếu thu hàng xách tay) là hóa đơn mua hàng được xuất ra bởi cửa hàng bán lẻ nơi người mua mua sản phẩm, đồng thời cũng là một loại chứng từ dùng để ghi nhận việc nhập khẩu hàng hóa theo hình thức xách tay.

Cụ thể:

- Bill hàng xách tay là phiếu khai thể hiện thông tin về lô hàng xách tay nhập khẩu, bao gồm tên hàng, số lượng, trị giá, ngày mua, thông tin liên hệ của cửa hàng, nguồn gốc xuất xứ...

- Bill hàng xách tay phải được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu khi nhập cảnh. Cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra, đối chiếu với hàng hóa thực tế và ký xác nhận lên bill.

- Người xách hàng khai báo với hải quan về những hàng hóa mang theo, nộp thuế (nếu có) và được cấp bill hàng xách tay.

- Bill hàng xách tay là căn cứ để xác định trị giá hải quan, tính thuế và là giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu.

- Mỗi lần xách hàng qua cửa khẩu đều phải làm thủ tục bill riêng với số lượng, chủng loại hàng hóa tương ứng.

Như vậy, bill hàng xách tay có vai trò quan trọng trong việc khai báo, kiểm soát hàng nhập khẩu theo phương thức xách tay của cá nhân.

2. Bán hàng xách tay không có bill bị xử lý thế nào?

Theo quy định tại Khoản 6 và 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng hóa nhập lậu và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ như sau:

“...

6. “Hàng hóa nhập lậu” gồm:

a) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

b) Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

...

13. “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.”

Theo đó, bán hàng xách tay không có bill (hay không có hóa đơn, chứng từ) thuộc trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính với các mức phạt theo quy định tại Điều 15 và Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 500 trăm nghìn đồng đến 50 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa nhập lậu.

- Phạt gấp 02 lần đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu trong các trường hợp sau:

+ Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

+ Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc,...

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 trăm nghìn đồng đến 50 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

- Phạt gấp 02 lần đối với người sản xuất, nhập khẩu hàng hóa (hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ) thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc,…

+ Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản,…

+ Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Đồng thời, người vi phạm còn phải chịu các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm. Buộc tiêu hủy hàng hóa và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, cá nhân thực hiện hành vi kinh doanh buôn bán hàng nhập lậu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

- Xử phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Cá nhân thực hiện hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nếu nằm trong trường hợp:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về tội buôn lậu hoặc tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; Tội đầu cơ; Tội trốn thuế hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

+ Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

- Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức.

+ Có tính chất chuyên nghiệp.

+ Hàng hóa có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

+ Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm pháp.

+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi phạm pháp.

+ Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia.

+ Phạm tội hai lần trở lên.

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Đối tượng buôn bán có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

+ Có thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

+ Đối tượng buôn bán có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

+ Có thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên.

+ Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác để thực hiện hành vi phạm pháp.

Như vậy, đối với hành vi bán hàng xách tay không có bill có thể bị xử phạt hành chính lên hoặc bị xử lý hình sự tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm.

Hứa Lê Huy
1678

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn