25/08/2020 14:25

Biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”

Biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”

Biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” được quy định tại khoản 12 Điều 114 và Điều 127 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về điều kiện để áp dụng BPKCTT này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng.

Thực tiễn đã có sự nhẫm lẫn giữa biện pháp này với BPKCTT khác như “cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” (khoản 7 Điều 114, Điều 121), “phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ” (khoản 10 Điều 114, Điều 125). Đặc biệt trong một số trường hợp chủ sở hữu tài sản bị người khác đem thế chấp tài sản trái phép, thực tiễn đã có quan điểm khác nhau trong việc có áp dụng BPKCTT “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” trong trường hợp này được hay không.

1.Tình huống minh họa

Trong một vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán, nguyên đơn là bên bán hàng có bảo lưu quyền sở hữu với các máy móc, thiết bị cho đến khi bị đơn là bên mua hàng thanh toán đủ.

Theo quy định của hợp đồng, trong trường hợp bên mua hàng không thanh toán đủ tiền hàng, quyền sở hữu đối với hàng hóa vẫn thuộc về bên bán. Trong quá trình đòi nợ tiền hàng của hợp đồng nói trên, nguyên đơn phát hiện bị đơn đã thế chấp các máy móc, thiết bị được cung cấp theo hợp đồng nói trên cho Ngân hàng để bảo đảm cho nợ vay tín dụng. Ngoài ra, nguyên đơn cũng phát hiện Ngân hàng đã và đang tiến hành rao bán khoản nợ của bị đơn (đang được bảo đảm bằng dây chuyền máy móc, thiết bị là tài sản của nguyên đơn như đã nêu trên). Chính vì vậy, nguyên đơn đã khởi kiện để yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu giao dịch thế chấp giữa bị đơn và Ngân hàng đối với tài sản thế chấp là các máy móc, thiết bị của nguyên đơn. Đồng thời cùng với việc nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn đã làm đơn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT “buộc Ngân hàng ngừng bán đấu giá khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của nguyên đơn” (tương ứng với BPKCTT “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” quy định tại khoản 12 Điều 114 và Điều 127 BLTTDS năm 2015).

2.Áp dụng BPKCTT trong trường hợp chủ sở hữu tài sản bị thế chấp bất hợp pháp yêu cầu chấm dứt hành vi xử lý tài sản của bên thứ ba nhận thế chấp bằng tài sản đó

2.1.Quan điểm thứ nhất: Không có cơ sở áp dụng biện pháp “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” 

Quan điểm này dựa trên những luận giải sau.

Thứ nhất, do nguyên đơn không chứng minh được tính cấp bách của yêu cầu áp dụng BPKCTT để bảo vệ quyền sở hữu.

Theo thỏa thuận giữa nguyên đơn và bị đơn, ở thời điểm Tòa án thụ lý vụ án, khoản tiền hàng chưa thanh toán của bị đơn đối với nguyên đơn chưa đến hạn trả nợ nên chưa có cơ sở xác định thiệt hại mà nguyên đơn phải gánh chịu.

Thứ hai, nguyên đơn cũng chưa có chứng cứ chứng minh được được giá trị tài sản hiện tại là đối tượng mà nguyên đơn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT là bao nhiêu, để xác định thiệt hại nếu yêu cầu của nguyên đơn không đúng và gây thiệt hại cho bị đơn theo quy định tại Điều 136 BLTTDS năm 2015.

Thứ ba, tài sản nguyên đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT là hệ thống thiết bị máy móc không thể phân chia được nên nguyên đơn yêu cầu áp dụng đối với toàn bộ khối tài sản này là không phù hợp theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP và Chỉ thị số 03/2019 ngày 30-12-2019 của Chánh án TANDTC.

2.2.Quan điểm thứ hai: Có cơ sở để Tòa án có thể áp dụng BPKCTT “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”

Theo nội dung quy định tại Điều 127 BLTTDS năm 2015, biện pháp “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án, có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết.

Đối với tình huống minh họa hoàn toàn có cơ sở để thực hiện BPKCTT này, bởi lẽ:

Một. Bên bị áp dụng BPKCTT có thể là “đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”, tức là hoàn toàn có thể là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (được xác định là Ngân hàng trong đơn khởi kiện) chứ không bắt buộc phải là bên đang chiếm hữu, nắm giữ tài sản.

Hai. Phạm vi đối tượng của BPKCTT này rất rộng, có thể là bất kỳ hành vi nào mà nguyên đơn xem là có thể gây ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Hành vi “bán đấu giá khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản bị thế chấp một cách bất hợp pháp” hoàn toàn có thể được xem là một hành vi như vậy, bởi nếu Ngân hàng bán đấu giá thành công khoản nợ đó, quyền nhận thế chấp tài sản và xử lý tài sản thế chấp sẽ được chuyển cho bên thứ ba gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án trong khi giao dịch thế chấp đó đang được Tòa án xem xét xử lý để hủy bỏ.

Ba. Ngoài ra, nếu bên thứ ba nhận chuyển nhượng khoản nợ xử lý tài sản thế chấp để thanh lý khoản nợ của bị đơn, quyền sở hữu của nguyên đơn đối với tài sản đang bị thế chấp sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng.

Vì vậy, nguyên đơn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” để ngăn chặn hành vi bán đấu giá khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản vẫn còn thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn của Ngân hàng là chính xác và có cơ sở để Tòa án áp dụng BPKCTT này.

2.3.Quan điểm của người viết

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai và có bổ sung một số nhận xét sau:

Một. Về đối tượng và mục đích khởi kiện của nguyên đơn khởi kiện

Quan điểm thứ nhất cho rằng khoản tiền hàng chưa thanh toán của bị đơn đối với nguyên đơn chưa đến hạn trả nợ nên chưa có cơ sở xác định thiệt hại mà nguyên đơn phải gánh chịu, vì vậy nguyên đơn chưa có cơ sở để yêu cầu áp dụng BPCKTT. Lập luận này cho thấy quan điểm này đang cho rằng đối tượng mà nguyên đơn khởi kiện để đòi là khoản nợ tiền hàng hóa mà bị đơn chưa thanh toán đủ.

Tuy nhiên, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là để yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu giao dịch thế chấp giữa bị đơn và Ngân hàng đối với tài sản thế chấp là các máy móc, thiết bị của nguyên đơn, chứ không khởi kiện để đòi bị đơn thanh toán số tiền hàng còn chưa trả.

Do vậy, chúng tôi cho rằng quyền được thanh toán khoản nợ không phải là đối tượng hay mục đích của nguyên đơn. Đối tượng mà nguyên đơn khởi kiện để bảo vệ là quyền sở hữu đối với hệ thống máy móc, thiết bị đã cung cấp cho bị đơn đang được bảo lưu nhưng do bị đơn chưa thanh toán đủ giá trị hợp đồng cho nguyên đơn, đồng thời đã, đang và sẽ có nguy cơ tiếp tục bị vi phạm do hợp đồng thế chấp vẫn tồn tại và Ngân hàng đang tiến hành bán đấu giá khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản đó.

Hai. Về BPKCTT phù hợp cần được áp dụng

BPKCTT được nguyên đơn yêu cầu là “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” theo khoản 12 Điều 114 và Điều 127 BLTTDS năm 2015. Đây là BPKCTT mà người yêu cầu áp dụng không phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Theo quy định khoản 1 Điều 136 BLTTDS năm 2015, bên yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT chỉ phải chứng minh thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng BPKCTT không đúng nếu bên yêu cầu đã yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các BPKCTT được quy định tại khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 BLTTDS năm 2015.

Ngược lại, quan điểm thứ nhất lại từ chối yêu cầu của nguyên đơn vì cho rằng nguyên đơn chưa chứng minh được giá trị tài sản là đối tượng chịu BPKCTT để xác định thiệt hại nếu yêu cầu của nguyên đơn không đúng và gây thiệt hại cho bị đơn căn cứ theo Điều 136 BLTTDS năm 2015 quy định về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm. Ngoài ra, Điều 7 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP cũng được viện dẫn để từ chối yêu cầu áp dụng BPKCTT “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” của nguyên đơn. Điều 7 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP là không phù hợp vì nội dung quy định như sau:

“Khi áp dụng BPKCTT quy định tại Điều 112 và Điều 113 của BLTTDS cần phân biệt như sau:

7.3. Trong trường hợp tài sản bị yêu cầu phong tỏa là tài sản không thể phân chia được (không thể phong tỏa một phần tài sản đó) có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng BPKCTT có nghĩa vụ phải thực hiện theo đơn khởi kiện, thì Tòa án giải thích cho người yêu cầu biết để họ làm đơn yêu cầu áp dụng phong tỏa tài sản khác hoặc áp dụng BPKCTT khác. Nếu họ vẫn giữ nguyên đơn yêu cầu, thì Tòa án căn cứ vào khoản 4 Điều 117 của BLTTDS không chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT của họ.”

Quy định tại Điều 7 nói trên thực chất không liên quan đến BPKCTT mà nguyên đơn đang yêu cầu là “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”. Cụ thể hơn, Điều 7 đề cập đến trường hợp tài sản không thể phân chia được bị áp dụng BPKCTT yêu cầu phong tỏa, và BPKCTT bị điều chỉnh bởi quy định này là “phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ” (Điều 113 BLTTDS năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011, tương ứng Điều 125 BLTTDS năm 2015).

Bên cạnh đó, việc viện dẫn quy định tại Chỉ thị số 03/2019 là căn cứ để từ chối yêu cầu áp dụng BPKCTT của nguyên đơn cũng hoàn toàn không hợp lý. Bởi lẽ, Phụ lục về một số sai sót cần rút kinh nghiệm trong việc áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời đính kèm Chỉ thị nói trên có hướng dẫn về BPKCTT “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” như sau:

“2.5. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định (khoản 12 Điều 114, Điều 127 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự, người yêu cầu đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thực hiện hành vi nhất định thì không buộc phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, có trường hợp Tòa án áp dụng biện pháp cấm thực hiện hành vi nhất định nhưng khi mô tả hành vi bị cấm thì lại thể hiện đó là hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp quy định tại Điều 121 và Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự. Như vậy, lẽ ra, Tòa án phải áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp (Điều 121), cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp (Điều 122) và phải buộc thực hiện biện pháp bảo đảm thì Tòa án lại áp dụng cấm thực hiện hành vi nhất định và không buộc thực hiện biện pháp bảo đảm”. (gạch chân để nhấn mạnh)

Như vậy, nếu Tòa án cho rằng BPKCTT mà nguyên đơn yêu cầu là “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” theo quy định tại Điều 127 BLTTDS năm 2015 nhưng thực chất hành vi bị cấm lại là “hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp theo quy định tại Điều 121 và Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự”, thì mới từ chối áp dụng BPKCTT mà nguyên đơn đã yêu cầu do nguyên đơn không thực hiện biện pháp bảo đảm.

Nói cách khác, nếu theo quan điểm thứ nhất cũng sẽ không xác định được BPKCTT nào là phù hợp để áp dụng đối với vụ án này.

2.4.Thực tiễn xét xử cho thấy Tòa án khó khăn khi lựa chọn quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Hiện tại, Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất của TANDTC hướng dẫn về cách thức áp dụng các BPKCTT. Trong đó, không có quy định cụ thể nào về điều kiện áp dụng BPKCTT “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”.

Chỉ thị số 03/2019 cũng chỉ quy định về trường hợp “nguyên đơn yêu cầu áp dụng biện pháp cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định nhưng thực chất hành vi bị cấm lại là hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp theo quy định tại Điều 121 và Điều 122 BLTTDS”, chứ không giải thích về bản chất, hay điều kiện áp dụng BPKCTT “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”.

Ngoài ra, cũng cần xét rằng bản chất vụ kiện này và yêu cầu của nguyên đơn khá đặc thù. Việc Tòa án có sự lúng túng trong việc xác định đối tượng chịu sự áp dụng BPKCTT hay BPKCTT cần được áp dụng cũng là điều dễ hiểu.

Như vậy, áp dụng BPKCTT nào là phù hợp với nội dung khởi kiện của nguyên đơn?

2.4.1.“Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp”

Theo Điều 121 BLTTDS năm 2015, BPKCTT này được áp dụng đối với trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác. Đối tượng của BPKCTT này là “hành vi chuyển dịch quyền về tài sản” và bên bị áp dụng BPKCTT là bên đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản.

Chúng tôi cho rằng BPKCTT này không phù hợp với tình huống vụ kiện. Bởi lẽ hệ thống máy móc, thiết bị của nguyên đơn đang do bị đơn chiếm hữu và bị đơn chỉ mang thế chấp tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình cho Ngân hàng chứ không phải là hành vi chuyển dịch quyền tài sản cho bên thứ ba. Nói cách khác, Ngân hàng mới là chủ thể đang có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản (quyền nhận thế chấp tài sản là hệ thống máy móc, thiết bị) cho bên thứ ba với việc chuẩn bị tiến hành bán đấu giá khoản nợ đang được bảo đảm bằng tài sản của nguyên đơn.

Nếu nguyên đơn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT này, bên bị áp dụng BPKCTT sẽ là bên chiếm hữu tức bị đơn chứ không phải Ngân hàng. Điều này hoàn toàn không có ý nghĩa giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là hủy bỏ việc thế chấp, ngăn chặn việc bán đấu giá khoản nợ đang được bảo đảm bằng tài sản bị thế chấp một cách bất hợp pháp.

2.4.2.“Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ”

Theo Điều 125 BLTTDS năm 2015, biện pháp này được áp dụng đối với trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án, có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Đối tượng của BPKCTT này là tài sản của bên có nghĩa vụ và bên bị áp dụng BPKCTT là bên có nghĩa vụ với bên yêu cầu. Biện pháp này cũng hoàn toàn không phù hợp với tình huống thực tế minh họa.

Bởi lẽ hệ thống máy móc, thiết bị là tài sản mà bị đơn đang chiếm hữu vốn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của nguyên đơn chứ không phải của bị đơn, hơn nữa bị đơn cũng không có hành vi chuyển dịch tài sản. Hành vi mà nguyên đơn muốn ngăn chặn là việc Ngân hàng bán đấu giá khoản nợ đang được bảo đảm bằng tài sản này, đã, đang và sẽ tiếp tục có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền sở hữu của nguyên đơn. Vì thế, việc phong tỏa tài sản này không có ý nghĩa ngăn chặn mà nguyên đơn hướng đến.

Cuối cùng, rõ ràng rằng chỉ có BPKCTT “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” mới là BPKCTT phù hợp để áp dụng trong tình huống thực tiễn này.

3.Kết luận

Qua phân tích luận giải tình huống thực tiễn minh họa nêu trên không thể phủ nhận khó khăn rất lớn của Tòa án là do hiện vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể, chuyên sâu về cách áp dụng BPKCTT “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”. Trong khi đó, BPKCTT này lại có phạm vi đối tượng áp dụng rất rộng.

Thiết nghĩ, TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể hơn hơn hoặc xây dựng phát triển thành án lệ cho cơ sở và điều kiện áp dụng đối với BPKCTT đặc thù “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”./.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

6122

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]